Mùa xuân này, những vùng đất đầy hào khí nhưng nghèo khó ven bờ Vàm Cỏ Đông huyện Đức Hoà tỉnh Long An đã mang một dáng vóc mới, sức sống mới với sự hiện diện của Tập đoàn Tân Tạo cùng những cống hiến đầy sáng tạo và tâm huyết của nữ doanh nhân, Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến...
Vùng đất “năm không”
Trở lại Đức Hoà mùa xuân này, chúng tôi lại nhớ, nơi có khu đô thị và KCN Tân Đức hiện nay thì trước năm 2005 có thể coi là vùng đất “5 không”: “không điện, không đường, không trường, không trạm, không cây xanh”...
Khu đô thị và Đại học Tân tạo |
Ông Nguyễn Văn Trưa – Chủ tịch Hội Người cao tuổi, một cán bộ lão thành hiểu dải đất ven sông Vàm Cỏ như lòng bàn tay, bồi hồi kể: “Vùng Đức Hoà này trước kia sình lầy, hoang vu nhiều rắn độc, nhiều kênh mương, bưng biền. Sau giải phóng, bà con sống nhờ nghề trồng mía kiểu tự phát, thu nhập bấp bênh, nghèo đến mức đi cả 10 nhà cũng không kiếm nổi cái xe máy”.
Trong ký ức của anh Nguyễn Tuấn Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư phát triển Tân Đức - những ngày đầu anh cùng cộng sự đến “cắm đất” làm KCN thật quá đỗi gian lao: “Năm 2005, khi Tập đoàn Tân Tạo quyết định đầu tư vào Long An, khó khăn bộn bề. Đi đâu cũng chỉ thấy cỏ lác, nước chua phèn, mộ chí, điện, đường, trường, trạm đều không có. Chúng tôi phải bắt đầu từ con số không”.
Xứ bưng biền “lột xác”
Năm 2009, khi KCN và khu đô thị Tân Đức còn chưa có được hình hài như bây giờ thì ông Chủ tịch Jetro – Hiệp hội đầu tư Nhật Bản, những nhà đầu tư vốn nổi tiếng khó tính - khi đến thăm đã thốt lên: “KCN Tân Đức là một trong những KCN đẹp nhất thế giới!”.
Đại diện hiệp hội kết nghĩa San Fransisco - TP Hồ Chí Minh trao giải thưởng vì cộng đồng cho Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo - bà Đặng Thị Hoàng Yến |
Nhưng để có hình ảnh đô thị đẹp như hôm nay không phải là dễ dàng. Riêng việc tạo các thảm xanh, tạo các công viên, các hồ sen trên diện tích tổng cộng cả trăm ha đã là cả một kỳ công. Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo - từng là một chuyên gia “trị phèn” Đồng Tháp Mười cho biết, ông rất khâm phục ý chí và cách làm xanh vùng đất phèn nơi đây. Chỉ riêng việc đào hồ, đào kênh, mua đất từ các vùng khác về thay cho đất bị nhiễm phèn, mua cây, trồng cây của Tập đoàn cho Tân Đức đã lên tới hơn 700 tỷ đồng...
Thực hiện chương trình hành động của ĐBQH, bà Đặng Thị Hoàng Yến đang hiện thực hóa chủ trương liên kết “bốn nhà” bằng chương trình sản xuất lúa sạch theo tiêu chuẩn Global GAP hướng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Chương trình sẽ do AHLĐ-NGND-GS-TS Võ Tòng Xuân chủ trì, triển khai ở 04 huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức của tỉnh Long An, nhưng đầu tiên thực hiện tại huyện Đức Huệ, huyện khó khăn nhất của tỉnh Long An. |
Mùa xuân này, vùng đất bưng biền hoang vu năm xưa đã trở thành quần thể KCN – Đô thị & Dịch vụ Tân Đức xanh- sạch- đẹp với hàng loạt nhà máy, khu đô thị và ĐH Tân Tạo bên những ngôi nhà tráng lệ, những thảm xanh đô thị rực rỡ.
Tân Đức là gì, khi tôi hỏi điều này, doanh nhân Đặng Thành Tâm tâm sự: “Khi đặt tên, tôi chỉ đơn giản lấy hai chữ cái đầu của “Tân Tạo” và “Đức Hoà” ghép lại. Còn hôm nay, tôi lại nghĩ Tân Đức mang ý nghĩa một phẩm chất, đó là sự đổi mới, coi trọng cái mới và coi trọng chữ Đức trong công việc. Với doanh nhân, lợi nhuận luôn rất quan trọng nhưng có lẽ trên cả lợi nhuận, hạnh phúc của con người mới là điều quan trọng nhất”.
Ông Lê Văn Bụi – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hoà cho hay: “Từ khi Tập đoàn Tân Tạo về đầu tư đã làm “đổi đời” cuộc sống người dân toàn huyện. Khi lấy đất làm dự án, bà Yến rất quan tâm đến người dân, mô hình tái định cư, ổn định nơi ăn chỗ ở và tạo việc làm cho người dân trong vùng dự án rất tốt. Hiếm có tập đoàn nào dành tới gần 200 ha trong tổng số hơn 500 ha dự án để lo nơi ăn chỗ ở cho người dân”.
Đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai
Một trong những dấu ấn sâu đậm trong người dân Đức Hoà chính là việc đầu tư cho con người, cho tương lai của bà Yến và Tập đoàn Tân Tạo. Năm 2005, chưa xây nhà máy thì bà Yến đã lo chuyện xây một ngôi trường THCS để chấm dứt cảnh “không trường”. Bà Vũ Thị Ngọc Cẩm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Đức cho biết: “Tháng 8/2005, tôi về còn thấy trâu bò chạy ầm ầm xung quanh trường, xung quanh chưa có đường sá, nhiều giáo viên ngại ngần.
Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, trường đã đạt chuẩn quốc gia, giúp con em xã Đức Hoà Hạ và Đức Hoà Đông có nơi học tập”. Cty Tân Đức còn đầu tư trên 5 triệu USD xây dựng Trường đào tạo nghề trên diện tích 2.5 ha, hàng năm sẽ đào tạo được ít nhất 5.000 lượt người.
Trong sắc hoa rực rỡ của khu đô thị Tân Đức, toà nhà ĐH Tân Tạo (TTU) hiện lên sừng sững trong nắng xuân, tọa lạc tại vị trí trái tim của khu đô thị như là hạt nhân của thành phố tri thức. Khi chúng tôi đến, GS Võ Tòng Xuân cùng các giảng viên, sinh viên đang vui đón Giáng sinh và chuẩn bị kết thúc học kỳ đầu tiên của năm học đầu tiên. Giáo sư cho biết: “Năm học đầu tiên 2011, TTU đã tuyển sinh rất tốt, theo đúng tiêu chí của những người sáng lập đã đặt ra: “TTU dành cho những sinh viên tài năng mà nghèo khó”.
Sinh viên Phan Hoàng Mẫn, sinh năm 1993, quê ở TP. Bến Tre – Thủ khoa khóa đầu TTU - cho hay: “Ba em là tài xế, mẹ buôn bán nên dù là học sinh trường chuyên của tỉnh, em cũng khó lòng thực hiện ước mơ du học. Đăng ký thi tuyển vào khoa kinh doanh quốc tế tại TTU, giờ đây, sau một học kỳ, em cho rằng sự lựa chọn của mình quá là đúng đắn, khi tìm được một trường học ngay tại chính miền Tây quê mình mà vẫn đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế”. Dù mới thành lập song TTU đã có 17 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí quốc tế.
Năm 2011 vừa qua, vượt lên bão suy thoái kinh tế, Cty ITA của Tập đoàn Tân Tạo đã lọt vào top 200 DN nộp thuế nhiều nhất cho đất nước. Đến với vùng đất Tân Đức, Đức Hoà, Long An, nhìn những đổi thay nơi đây mới hiểu hơn giá trị của những cống hiến, tầm nhìn và trái tim của nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến. Như một người nông dân từ đáy lòng đã nói, với Đức Hòa, Hoàng Yến chính là “cánh chim báo tin vui”. Sự đổi thay, phát triển của một miền đất từ biết bao hi sinh, cống hiến thật là minh chứng sinh động nhất cho tình yêu đất nước...
Suốt 17 năm qua, Tập đoàn Tân Tạo không ngừng làm công tác từ thiện, 4 năm liền tổ chức tôn vinh, trao giải Hoa Trạng Nguyên cho gần 6.000 học sinh, sinh viên. Những năm gần đây, bà Yến còn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đã tài trợ thực hiện chương trình tiêm vắc xin phòng chống bệnh viêm gan siêu vi B cho 18.500 trẻ em, tài trợ chữa bệnh miễn phí cho 4000 phụ nữ ... Với những đóng góp đáng kể cho cộng đồng, vừa qua bà Yến đã vinh dự là một trong 9 công dân Việt Nam tiêu biểu được Ủy ban kết nghĩa TP.HCM và TP.San Francisco trao giải Cống hiến vì cộng đồng |
Vũ Hoàng - Chí Thành