Cảnh báo tội phạm 'bắt cóc ảo' gia tăng ở Mỹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Việc thủ phạm thay đổi chiến thuật khiến số người có thể trở thành nạn nhân của nạn bắt cóc ảo gia tăng mạnh ở Mỹ.

Dù bắt cóc ảo có thể diễn ra dưới nhiều hình thức nhưng nhìn chung đây là một loại hình tống tiền vì những đối tượng phạm tội sẽ tìm cách lừa đảo khiến các nạn nhân phải trả tiền chuộc để đổi lấy tự do cho người thân được cho là đang bị đe dọa. Có điều, khác với những vụ bắt cóc truyền thống, những kẻ bắt cóc ảo trên thực tế không hề bắt cóc người nào. Thay vào đó, chúng sử dụng các chiêu thức khác nhau để buộc nạn nhân trả tiền chuộc trước khi hành vi lừa đảo của chúng bị phát giác.

Lực lượng hành pháp Mỹ đã ghi nhận sự tồn tại của hành vi bắt cóc ảo từ ít nhất 2 thập kỷ trước. Tuy nhiên, vụ việc mới bị FBI phát giác gần đây đã cho thấy loại hình lừa đảo đáng sợ này đã phát triển mạnh mẽ tới mức bất cứ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân. Cụ thể, theo trang web của FBI, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các nhà điều tra của Văn phòng FBI tại Los Angeles đã phát hiện những cuộc điện thoại đe dọa bắt cóc xuất phát từ các nhà tù tại Mexico. Mục tiêu là những người nói tiếng Tây Ban Nha, chủ yếu sống ở khu vực Los Angeles hay Houston.

“Đến năm 2015, những cuộc gọi bắt đầu được thực hiện bằng tiếng Anh. Và những đối tượng phạm tội cũng không còn nhằm tới cá nhân cụ thể như các bác sỹ hay những người nói tiếng Tây Ban Nha mà chúng chọn mục tiêu ở nhiều thành phố khác nhau, liên tiếp thực hiện hàng trăm cuộc gọi cho đến khi có người đó sập bẫy”, ông Erik Arbuthnot – điệp viên đặc biệt của Văn phòng FBI tại Los Angeles – cho hay.

Theo ông Arbuthnot, đây là một vấn đề đáng chú ý vì chiến thuật mới của những đối tượng phạm tội đã khiến số người có thể trở thành nạn nhân gia tăng mạnh. Trong vụ việc mà ông Arbuthnot đang tiến hành điều tra với tên gọi Chiến dịch Khách sạn Tango đã có hơn 80 người được xác định là nạn nhân của hành vi bắt cóc ảo với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 87.000 USD. Các nạn nhân sống ở nhiều bang khác nhau của Mỹ.

Kết quả điều tra cho thấy, những kẻ lừa đảo là những tù nhân bị nhốt trong tù nhưng chúng đã hối lộ những cai ngục để có thể sử dụng điện thoại. Sau đó, chúng sẽ chọn những khu vực có đông người giàu như Beverly Hills, California rồi sử dụng internet để tra cứu mã vùng và số điện thoại. Tiếp sau đó, chẳng có gì ngoài thời gian, chúng miệt mài gọi điện theo số thứ tự hòng tìm kiếm nạn nhân. 

Khi một người nào đó bắt máy, họ có thể sẽ nghe thấy giọng nữ hét lên “Cứu tôi với!” có thể là tiếng từ một thiết bị ghi âm phát ra. Theo phản xạ, nạn nhân có thể nghĩ đó là con gái của họ và thốt ra những câu như: “Mary, con có ổn không?”. Chỉ chớp lấy cơ hội đó, thủ phạm sẽ lớn tiếng tuyên bố đang bắt cóc Mary làm con tin và buộc nạn nhân phải trả tiền chuộc nếu không muốn con gái bị làm hại. Thông thường, hầu hết các nạn nhân sẽ sớm xác định được con họ đang an toàn ở trường, ở nhà hoặc phát hiện đó là âm mưu lừa đảo. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nạn nhân sập bẫy khi họ có một đứa con gái và đứa trẻ không ở nhà. “Nếu anh gọi đến hàng trăm cuộc gọi, cuối cùng rất có thể sẽ có con mồi sập bẫy”, ông Arbuthnot nói.

Những kẻ phạm tội thường cố giữ liên lạc với nạn nhân để họ không thể xác định được hành tung của người thân hay báo cảnh sát. Thủ phạm trong khi đó thường muốn gây án nhanh nhất nên thường yêu cầu nạn nhân chuyển khoản khoảng 2.000 USD tới Mexico vì đây là mức giới hạn cho mỗi lần chuyển tiền xuyên biên giới.

Song, cũng có trường hợp nạn nhân bị yêu cầu nộp đến 28.000 USD tiền chuộc. Trong vụ việc đó, vì số tiền quá lớn, không thể chuyển khoản được nên thủ phạm đã yêu cầu nạn nhân mang tiền tới vị trí do chúng chỉ định. Sau khi tiền đã được đặt vào những thùng rác theo chỉ định, một phụ nữ 34 tuổi sống ở Houston tên Yanette Rodriguez Acosta đã chờ sẵn để lấy tiền. Sau khi lấy phần của mình, Acosta chuyển phần còn lại cho tù nhân người Mexico được cho là thủ phạm trong vụ việc. Tháng 7 vừa qua, Acosta đã bị bắt giữ và bị khởi tố về 10 tội danh, trong đó có lừa đảo chuyển tiền và rửa tiền. 

Theo ông Arbuthnot, những tù nhân người Mexico đứng sau các vụ bắt cóc ảo thường dùng tiền chuộc để hối lộ quản ngục hòng có cuộc sống tốt hơn. “Đôi khi, chúng sử dụng tiền đó để được thả ra”, ông nói. Ông Arbuthnot cũng cho rằng việc điều tra và truy tố thủ phạm trong những vụ bắt cóc ảo thường rất khó vì thủ phạm gần như toàn ở Mexico và tiền chuộc đã được chuyển ra nước ngoài, khó truy nguồn. Thêm vào đó, nhiều nạn nhân không trình báo tội phạm do bị quấy rối, sợ hãi hoặc vì họ không xem tổn thất về tài chính quá lớn đến mức phải trình báo khiến cho những vụ việc như vậy tiếp tục xảy ra.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.