Sau thời gian dài giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP HCM bắt đầu khởi động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, cửa hàng... tiến hành nâng cấp sửa chữa để có thể hoạt động trở lại, theo Công an TP HCM, đây cũng là nguyên do dẫn đến nhiều vụ cháy nổ trên địa bàn.
Chỉ riêng trong tháng 10/2021, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 26 vụ cháy lớn, trong đó có 5 vụ liên quan đến việc hàn xì.
Thượng tá Đỗ Văn Kháng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, nguyên nhân cháy do hàn xì được xác định là do các thợ hàn được thuê đều làm việc tại các cơ sở gia công cơ khí nhỏ, hộ gia đình, lao động tự do không được đào tạo căn bản. Những thợ hàn này chủ yếu tự học theo kiểu truyền nghề và không có kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cũng như không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại. Bên cạnh đó, trong quá trình hàn cắt, nhiều nơi đã buông lỏng không cử người trông coi, không có biện pháp cách ly các vật liệu và hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt...
"Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi; không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, gây ra những hậu quả khó lường", Thượng tá Đỗ Văn Kháng nhận định.
Điều 240 Bộ Luật hình sự quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. "Như vậy, nếu cơ quan điều tra xác định đủ các chứng cứ phạm tội, người thợ hàn gây ra các vụ cháy lớn sẽ phải đối mặt với hình phạt tù chỉ vì lỗi bất cẩn do chính bản thân mình gây ra. Đây là lời cảnh báo cho những thợ hàn kém tay nghề và thiếu các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy", Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP HCM, thông tin thêm.
Để thực hiện tốt công tác phòng cháy nói chung cũng như không để xảy ra các vụ cháy đáng tiếc do hoạt động hàn xì gây ra, Công an TP HCM khuyến cáo, khi thợ hàn xì làm việc, người đứng đầu cơ sở phải giám sát hoạt động hoặc cử người giám sát chặt chẽ; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trước khi hàn, như để nước và giẻ ướt tại các điểm cách mối hàn 30 cm, trải khăn hoặc giẻ ướt phía dưới nơi hàn, quanh khu vực hàn tạo vách ngăn cách ngăn chặn không cho tia lửa bắn ra ngoài, gây nguy hiểm.
Đối với thợ hàn, ngoài trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cá nhân, trước khi hàn phải quan sát xem trong khu vực làm việc có vật gì dễ cháy để di dời, che chắn; đồng thời, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn để ứng biến kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ Quận 6; thợ hàn bậc 6/7 đang thi công tại một công trình trên đường Trần Đình Xu, Quận 1) cho biết: Khi hàn, cắt kim loại, nhiệt độ ở tâm ngọn lửa có thể lên đến 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn cũng đến 1.800 độ C. Theo đó, quá trình hàn cắt sẽ làm phát sinh các hạt kim loại có nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C bắn ra xung quanh và nếu tiếp xúc với các vật liệu dễ bắt lửa như giấy, mút, gỗ sẽ dễ bén lửa và gây cháy. Ngoài ra, trong quá trình thi công (ngay cả khi mài các thiết bị) khi làm xong không dội nước, rồi sơ ý đánh rơi các vật dễ cháy vào thì cũng lập tức biến thành mồi lửa nếu gặp gió...