Hôm qua, giá USD tự do trên thị trường Hà Nội đã lên mức 20.070 – 20.170 đồng/USD. “Diễn biến thực tiễn của thị trường tiền tệ đang khuyến khích người dân chuyển sang đầu cơ tài chính và điều này thực sự là một ẩn họa với nền kinh tế”, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.
Áp lực cuối năm
Lo sợ trước tình hình giá USD tăng chóng mặt trong những ngày qua, nhiều người đổ dồn đi mua USD và điều này càng làm cho giá USD thêm căng thẳng. Trên thị trường, khả năng điều chỉnh tỷ giá cũng đã bắt đầu được đồn thổi.
Trong tâm lý chung của thị trường, giai đoạn cuối năm vẫn được nhận định là chu kỳ “sốt” USD. Điều này đã làm khuếch tán động thái găm giữ ngoại tệ và đánh cược vào việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 2-3% đến cuối năm.Trong khi đó, nhận định từ các định chế tài chính lớn đều mang lại những bất lợi cho tỷ giá. Mới đây nhất. Standard Chartered đã có dự báo tiền đồng sẽ tiếp tục giảm giá. Theo dự báo này, tỷ giá sẽ ở mức 19.900 đồng đổi một USD vào cuối năm nay và 20.800 đồng/USD trong năm 2011.
Tuy nhiên, phía NHNN lại cho rằng, đợt sốt giá hiện nay chủ yếu do tác động của giá vàng và tâm lý găm giữ của những doanh nghiệp có nguồn thu, chứ toàn hệ thống vẫn đang dương 250-300 triệu USD.
Thực tế, khi từ khi NHNN thực hiện chủ trương kết hối một phần với một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước (buộc các doanh nghiệp bán ngoại tệ cho ngân hàng), tình trạng găm giữ trên tài khoản vẫn còn phổ biến với những doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc phải bán. Lượng tiền còn tồn trên tài khoản cũng cỡ vài tỷ đôla.
Hiện không có quy định nào điều chỉnh hành vi đó, nên họ giữ tiền không kỳ hạn trên tài khoản cũng là một cách suy tính của họ. Tuy nhiên, NHNN đang cân nhắc để có sự điều chỉnh cho hợp lý.
Khó có đột phá
Trên 20.000 đồng/USD – đây có thể xem là mức cao nhất từ trước đến nay và dường như thị trường chưa dừng lại khi nhu cầu USD đang tăng lên. Trong khi đó trong hệ thống ngân hàng, tỷ giá dù không thay đổi nhưng đã cho thấy những dấu hiệu căng thẳng. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã lên đến mức 19.490 - 19.500 đồng/USD.
Giá USD đã nâng lên kịch trần, giá mua vào và bán ra gần sát nhau cho thấy các ngân hàng đang rất khó khăn về nguồn cung đầu vào. Tuy nhiên, đấy chỉ là giá niêm yết, còn trên thực tế, để mua được USD, các DN phải chi thêm các phí phụ thu. Điều này khiến tỷ giá bị đẩy lên cao gần bằng giá trên thị trường tự do. Các DN cho biết, để mua được USD, họ phải chấp nhận giá lên đến 19.990 đồng/USD nhưng chưa hẳn đã mua được số lượng mong muốn vì các ngân hàng vẫn bán rất hạn chế.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, diễn biến thực tiễn của thị trường tiền tệ đang khuyến khích người dân chuyển sang đầu cơ tài chính và điều này thực sự là một ẩn họa với nền kinh tế. Tiền nhàn rỗi trong dân sẽ nằm “chết” vào các dự án bất động sản, vào vàng, vào USD chờ “sóng” lên thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, NHNN chưa có phương án nào điều chỉnh về tỷ giá. NHNN sẽ theo dõi sát và tăng cường hỗ trợ về ngoại tệ để giảm bớt áp lực từ vấn đề này, tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường. Với những tuyên bố này thì rất khó có những đột phá để cải thiện tình hình ngoại tệ. Theo các chuyên gia, những điều chỉnh nhỏ, hay những can thiệp hành chính có thể chỉ ghìm được tỷ giá trong thời gian ngắn còn về lâu dài vẫn cần những điều chỉnh để ổn định đồng tiền Việt Nam.
Khan hiếm nguồn cung
Các ngân hàng cho biết, tình trạng căng thẳng USD đã xuất hiện từ nhiều tháng nay. Biểu hiện dễ thấy nhất là các ngân hàng tăng lãi suất huy động và nâng tỷ giá lên kịch trần cho phép. Trong khi, số liệu báo cáo mới nhất từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, thâm hụt thương mại trong năm 2010 có thể lên tới con số 10,1 tỷ USD và cán cân thanh toán tổng thể có thể cao hơn, ở mức 4 tỷ USD. Đây là một số hụt đáng kể mà chưa nhìn thấy nguồn ngoại tệ để áp ứng.
Xuất khẩu vàng trong suốt III quý đầu năm đã mang lại nguồn USD đáng kể giúp tỉ giá ổn định. Nhưng khó có thể có cơ hội cho hoạt động xuất khẩu vàng từ nay tới cuối năm. Các nguồn cung truyền thống để bù đắp thiếu hụt ngoại tệ là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp, kiều hối cũng không có nhiều khởi sắc đột biến. Đầu tư gián tiếp đang tiếp tục “lạnh”, đầu tư nước ngoài có đăng ký khá nhưng giải ngân không tăng. Nguồn kiều hối năm nay dược dự báo có thể tăng khá so với năm ngoái, song người dân ngày càng có tâm lý tích trữ USD từ nguồn này.
Phong Vũ