“Tham khảo” mạng xã hội để chọn nghề
Không chỉ chọn trường đại học, ngành học theo định hướng của gia đình, nhà trường, hiện nhiều học sinh còn “tham khảo” từ các video trên những ứng dụng như TikTok, Youtube để lựa chọn ngành, nghề.
Theo một số liệu do Adecco Việt Nam khảo sát và phân tích chuyên sâu ở 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, hơn 48% thế hệ trẻ (1995 - 2015) biết đến nghề nghiệp hiện tại của bản thân qua mạng xã hội. Thống kê cho thấy, mạng xã hội đã bỏ xa thông tin từ trường học (18,86%), bạn bè (17,92%) và truyền thông theo hướng truyền thống (5,66%) để trở thành nguồn thông tin nghề nghiệp hàng đầu.
Hiểu tâm lý hoang mang về định hướng nghề nghiệp tương lai cũng như sự phụ thuộc của một bộ phận học sinh, sinh viên vào Internet, rất nhiều TikToker (người làm video TikTok), Youtuber (người làm video trên Youtube) đã “lấn sân” sang việc hướng nghiệp cho giới trẻ để tìm sự nổi tiếng. Đáng tiếc là không ít video đang tuyên truyền những suy nghĩ tiêu cực, sai lệch cho người xem.
Như gần đây, một TikToker với hơn ba trăm nghìn lượt theo dõi đã làm hàng loạt những video bàn luận về sự “vô dụng” của những tấm bằng đại học. Nhiều TikToker khác cũng tham gia theo hướng này và nhanh chóng nhận được hàng trăm nghìn lượt xem trên nhiều ứng dụng. Thậm chí, chỉ cần gõ trên thanh công cụ tìm kiếm của Google về ngành học cũng dễ dàng thấy các nội dung “bằng đại học vô dụng”, “những ngành học thất nghiệp”,…
Gần đây, một TikToker liệt kê ba tấm bằng “không có giá trị”: Marketing, Quản trị nhân sự và Ngôn ngữ Anh, cũng khiến nhiều học sinh thêm hoang mang trước việc chọn trường đại học, ngành học trong tương lai.
Trần Mai Anh (lớp 12, THPT Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Em hiện đang phân vân giữa việc lựa chọn ngành Marketing và ngành Quản trị kinh doanh, khi xem một số video trên mạng thấy rất hoang mang, nhưng chọn lại ngành thì đã quá muộn”. Để Mai Anh hết lo lắng, gia đình em đã phải động viên, khuyên bảo. Ông Trần Hùng Anh (bố của Mai Anh) cho biết, những video TikTok đáng ra để giải trí, nay lại khiến cho học sinh, đặc biệt là các em lớp 12 trở nên hoang mang trước việc chọn ngành nghề.
Nội dung trên TikTok đó cũng gây bức xúc cho một số sinh viên các ngành học được “điểm danh”. Dương Hà An (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Ngành ngôn ngữ Anh không chỉ học về tiếng Anh, mà còn học về văn hóa, con người. Sau khi ra trường, chúng tôi có thể đi giảng dạy, làm biên tập viên sách, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch…”. Hà An đang là giáo viên cấp II, cô cho biết khi giảng dạy, ngoài ngữ pháp tiếng Anh, việc nói về văn hóa, con người, lịch sử của những nước phương Tây sẽ giúp các em hứng thú và hiểu bài hơn. Những kiến thức này, nếu chỉ học ở các trung tâm bên ngoài sẽ không thể nắm được.
Tỉnh táo trước các thông tin vô căn cứ
Phần lớn những TikToker chỉ đưa ra quan điểm dựa trên suy nghĩ, trải nghiệm mang tính chủ quan. Như TikToker Huy Đào - chủ nhân của video “Những bằng đại học vô dụng” trả lời với truyền thông: “Tôi chia sẻ dựa vào trải nghiệm của bản thân và những người mà tôi từng nói chuyện”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động có việc làm và có chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam chỉ chiếm 23,1%, trong khi lao động có việc làm nhưng không có chuyên môn chiếm 76,9%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, trong 10 năm tới, Việt Nam đối mặt với sự thay thế lao động. Khi ứng dụng công nghệ số, có đến 70% số việc làm không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao sẽ nằm trong nguy cơ bị thay thế. Và thực tế, hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước có tỷ lệ người học đại học thấp. Theo số liệu công bố năm 2020, số người có trình độ đại học trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ cao đẳng chiếm 3,8%.
PGS.TS Trần Thành Nam - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận định, hiện nay, thông tin trên mạng xã hội như TikTok là nơi “thượng vàng hạ cám”, có cả những kiến thức khoa học và ngụy khoa học. Trong đó phải lưu ý các video TikTok tư vấn hướng nghiệp đang chia sẻ những thông tin sai lệch, nhằm “câu view, câu like” để “nuôi” kênh. Chính vì vậy, học sinh, sinh viên cần phải chọn lọc, kiểm chứng thông tin, tránh để bị thao túng tâm lý, mất đi động lực học tập và phấn đấu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP HCM) đã chia sẻ với báo chí, truyền thông, các trường cao đẳng, đại học hiện nay đều có đơn vị kết nối với doanh nghiệp và đây chính là nơi hỗ trợ sinh viên thực tập, tìm việc làm. Tuy nhiên, để trở thành một cá nhân xuất sắc trong nghề nghiệp, còn đòi hỏi vào kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc của mỗi người.