Luật ĐGTS được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017. Trong công tác Thi hành án dân sự (THADS), công tác bán ĐGTS có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc giải quyết số lượng án tồn đọng ở các cơ quan thi hành án.
Tài sản giảm giá nhiều lần không bán được
Qua hơn 05 năm thực hiện Luật ĐGTS, nhìn chung, công tác bán ĐGTS trong THADS nề nếp, chặt chẽ hơn; kết quả bán đấu giá thành tài sản thi hành án tăng dần theo các năm từ 2018 đến 2022 cả về số việc và số tiền, góp phần giúp các cơ quan THADS hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tính đến thời điểm hiện tại năm 2022, tổng số việc bán đấu giá thành 2.761 việc, tương ứng với hơn 9.010 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác THADS cho thấy, đối với những vụ việc mà cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế kê biên, thẩm định giá và bán ĐGTS để thi hành án, thời gian thi hành thường phải kéo dài do tính chất nghiêm ngặt của biện pháp cưỡng chế kê biên. Do đó, có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài gần 3 năm vẫn chưa có người mua.
Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp tài sản kê biên phải định giá lại hoặc giảm giá nhiều lần vẫn không bán được, thực trạng này là do người mua còn e ngại đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án, họ cho rằng khi mua tài sản bán đấu giá phải trải qua các thủ tục pháp lý phức tạp, hơn nữa một số người có tâm lý không muốn liên quan tới cơ quan pháp luật.
Vì vậy, một số trường hợp tài sản kê biên được định giá sát với mức giá thị trường, thậm chí là thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nhưng khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn không có người đăng ký tham gia. Đến lúc bán đấu giá thành thì người phải thi hành án chống đối bằng nhiều hình thức nên chậm giao tài sản cho người mua. Từ đó, dẫn đến quyền lợi của người phải thi hành án, người được thi hành án, người trúng đấu giá bị ảnh hưởng, cơ quan THADS đối mặt với nguy cơ khiếu nại, tố cáo và bồi thường nhà nước. Về bản chất, việc ĐGTS thi hành án có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của Toà án, khác với tính chất ĐGTS tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự.
Cần có quy định riêng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bán ĐGTS trong THADS kéo dài, gặp nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân do việc bán ĐGTS trong THADS là quá trình phức tạp và có thể gặp vướng mắc ngay từ quá trình định giá tài sản nếu như bên được thi hành án và bên phải thi hành không thoả thuận được về gía trị tài sản, về tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá thì Chấp hành viên phải quyết định lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá theo quy định.
Trong quá trình tổ chức việc bán ĐGTS để thi hành án cũng có thể phát sinh các tranh chấp giữa những người phải thi hành án với cá nhân, tổ chức khác, giữa những người tham gia đấu gía, người có tài sản bán đấu giá với tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá và khi kết thúc việc đấu giá vẫn có thể xảy ra tranh chấp huỷ kết quả đấu giá hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bàn giao tài sản bán đấu giá.
Hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bán ĐGTS liên quan đến trách nhiệm của tổ chức ĐGTS và cơ quan THADS trong việc xác định thời hiệu, thời điểm sử dụng chứng thư thẩm định giá tài sản tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tài sản bán đấu giá thành; thanh toán chi phí, chi phí bán đấu giá…
Với những lý do trên, trong thời gian tới khi sửa Luật ĐGTS, theo Tổng cục THADS, cần có quy định riêng đối với việc bán ĐGTS thi hành án có tính chất đặc thù; có quy định riêng về trình tự, thủ tục ĐGTS thi hành án trong Luật ĐGTS. Để đồng bộ với Luật ĐGTS thì cũng cần phải sửa đổi Luật THADS theo hướng tài sản đưa ra bán đấu giá phải là tài sản “sạch” và trình tự, thủ tục bán ĐGTS thi hành án phải được rút ngắn. Từ đó tài sản sẽ bán được nhanh và sớm thu được tiền, giảm thời gian chịu lãi suất cho người phải thi hành án, khi bán tài sản có nhiều người tham gia đấu giá với giá bán cao, người mua ít chịu rủi ro, yên tâm hơn về tài sản, việc giao tài sản sẽ kịp thời, tránh khiếu nại, tố cáo và nguy cơ bồi thường Nhà nước.