Tổ chức thi hành pháp luật gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự nhất quán, kế thừa và tiếp nối những chủ trương, đường lối của Đảng trước đây về tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, Đảng tiếp tục xác định chủ trương lớn là “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế”.
Như vậy, có thể thấy, tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự nhất quán, kế thừa và tiếp nối những tư tưởng về nhà nước pháp quyền, về nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật trong các bản Hiến pháp, trong các Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận, Báo cáo tổng kết... Đây là một nội dung xuyên suốt, có tính lịch sử và ngày càng được phát triển theo hướng cụ thể, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết triệt để những tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức thi hành pháp luật thời gian qua, xử lý tận gốc những nguyên dân dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật, đưa công tác tổ chức thi hành pháp luật đạt được hiệu quả thực chất, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đầy đủ, toàn diện các nội dung sau đây: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức thi hành pháp luật; Tổ chức thi hành pháp luật phải đi đôi với việc phát huy dân chủ, xây dựng môi trường công khai, minh bạch; Tổ chức thi hành pháp luật phải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và bối cảnh mới;
Đặc biệt, việc tổ chức thi hành pháp luật gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước ”. Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó có nhiều vấn đề mới, nổi bật, đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”.
Cần xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật
Để thực hiện những định hướng cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu, thì cần thiết phải xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật, từ đó tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tổ chức thực thi các quy định của pháp luật, thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao. Cần tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy Đảng đối với việc tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt đối với những vụ việc, vấn đề liên quan đến việc thi hành pháp luật nổi cộm, phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.
Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về lý luận đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật
Theo đó, cần tiến hành nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lý luận và thực tiễn về tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam, từ đó xây dựng các quan điểm khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị xã hội để đề xuất chính sách với Chính phủ, Quốc hội những định hướng, chính sách cơ bản cần điều chỉnh bằng pháp luật của thể chế pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật.
Xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật sẽ là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm pháp lý hóa, tạo cơ sở pháp lý cơ bản vững chắc để phát huy hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Ba là, tiếp tục kiện toàn và đổi mới về tổ chức, bộ máy, biên chế, tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác tổ chức thi hành pháp luật
Trong thời gian trước mắt khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đang được xem xét sửa đổi, bổ sung, các địa phương cần tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 242/QĐ-TTg về kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thi hành pháp luật có năng lực chuyên môn và bản lĩnh, phẩm chất chính trị, nghề nghiệp vững vàng.
Bốn là, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, trong đó chú trọng thực hiện vào một số lĩnh vực sau: đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; xây dựng, hoàn thiện cơ chế giải trình minh bạch, kịp thời trong tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.
Năm là, tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về tình hình thi hành pháp luật
Thiết lập các hình thức đa dạng, linh hoạt trong tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc ghi nhận, xử lý công khai, công bằng, nhanh chóng, khách quan, đúng thẩm quyền; Tăng cường chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận và tập trung giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp kịp thời, đúng quy định pháp luật.
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện chế độ công chức, công vụ theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền, thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ, công chức phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng và ban hành Kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực thi công vụ, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Bẩy là, đổi mới về cơ chế phối hợp trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật
Với thể chế pháp luật hiện hành, cơ chế phối hợp trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật mới chỉ tập trung điều chỉnh quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Bộ, ngành, UBND các cấp), mà chưa thiết lập được cơ chế phối hợp ở tầm vĩ mô giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị. Do vậy, Chính phủ với vai trò là chủ thể tổ chức thi hành pháp luật cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với các chủ thể khác trong hệ thống chính trị như Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật. Cụ thể: Xây dựng và hoàn thiện các quy định về việc phối hợp giữa các đơn vị có chức năng tham mưu, giúp Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện công tác tổ chức thi hành pháp luật (cơ chế phối hợp bên trong); xây dựng, hoàn thiện quy định về phối hợp tổ chức thi hành pháp luật giữa Bộ, ngành, địa phương với cơ quan giám sát, cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan khác trong việc cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp (cơ chế phối hợp bên ngoài)./.