Cuối năm 2007, bất động sản "lao dốc", nữ đại gia thành phố biển cố gắng cầm cự đến khoảng năm 2009 thì hụt hơi, năm 2011 bị bắt giam và bị tuyên án 17 năm tù vào hôm qua – 13/9 tại TAND tỉnh Khánh Hòa với cáo buộc “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” vì thiếu nợ hơn 6 tỷ đồng.
Luật sư đã nộp đơn kháng án cho bà Dung ngay sau khi Tòa tuyên án |
Tháng 7/2011, bà Nguyễn Thị Phương Dung bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt và di lý về Nha Trang khi đang trên giường bệnh tại TP.HCM. Bà Dung bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật Hình sự, theo tố cáo của 5 người với số tài sản được cho là hơn 6 tỷ đồng.
Trước tòa, với vẻ tiều tụy của một phụ nữ ngũ tuần ốm đau, bà Dung nói tiếng được, tiếng mất vẫn một mực khẳng định bà chưa bao giờ có ý định lừa đảo ai, chỉ mượn tiền để kinh doanh rồi vì thua lỗ mà mất khả năng thanh toán. “Tôi chỉ biết thành thực mong các chủ nợ thông cảm và mong tòa cứu xét”, bà nói lời cuối tại công đường.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng, từ cuối năm 2007 đến năm 2008, mặc dù kinh doanh bất động sản thua lỗ, phải tất toán ngân hàng hàng chục tỷ đồng và mỗi tháng còn chịu lãi hàng trăm triệu nhưng bà Dung vẫn có hành vi gian dối thuyết phục 5 người quen vay số tiền hơn 6 tỷ đồng với hứa hẹn trả lãi cao để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và kinh doanh bất động sản rồi chiếm đoạt để sử dụng vào mục đích bù lỗ, trả lãi vay ngân hàng…
“Căn cứ buộc tội không vững, yêu cầu trả hồ sơ điều tra lại”
Bào chữa cho bị cáo tại tòa, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) và luật sư Nguyễn Hà Luân (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định căn cứ buộc tội của viện kiểm sát và cơ quan điều tra là “không vững” và đề nghị hội đồng xét xử “trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại”.
“Bà Dung thiếu nợ người khác là sai rồi, chính bà thừa nhận thực tế này, vấn đề là xem xét sự việc dưới góc độ hình sự hay dân sự”, ông Tuấn nói tại tòa. Luật sư này phân tích, để cấu thành tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139, cơ quan điều tra phải bị cáo phải làm rõ bị cáo có “hành vi gian dối” và “ý thức chiếm đoạt”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, luật sư không thấy cáo trạng thể hiện được điều đó, “chỉ thấy nêu chung chung”.
Ông Tuấn chứng minh, ngay từ đầu bị cáo đã không có hành vi gian dối. Việc vay mượn ký giấy vay đàng hoàng. Theo lời khai nhiều bị hại tại tòa, khi cho vay tiền họ đều thực thấy tài sản của bà Dung. “Chúng tôi rất cảm ơn vị đại diện công tố đã điều tra cho thấy, tại thời điểm bị cáo vay mướn tiền, bị cáo vẫn đang có hàng chục khối tài sản. Dẫu cầm cố ở ngân hàng, thì theo quy định của ngân hàng nhà nước, tài sản cầm cố chỉ được định giá cho vay tối đa đến khoảng 70%.
Như vậy, khi bị cáo vay ngân hàng trên 4 chục tỷ đồng, tài sản của bị cáo bên ngoài ít ra cũng được định giá khoảng 6 – 7 chục tỷ. Nếu không kinh tế không suy thoái, bất động sản không đóng băng, hoặc giả bị cáo “cắt lỗ” kịp thời thì đâu có chuyện như hôm nay” – luật sư nói.
Thẩm vấn một bị hại, luật sư hỏi: “Nếu chị Dung trả đủ tiền, gốc và lãi, bị hại có làm đơn tố cáo chị Dung không?”. Bị hại trả lời: “Không”. Luật sư chứng minh: “Như vậy đây là một giao dịch dân sự, bên vay có lỗi không thực hiện đúng cam kết, tại sao bên cho vay không khởi kiện ra tòa mà đưa ra cơ quan điều tra”.
Mà nếu không có hành vi gian dối, theo luật sư, tất nhiên không thể quy kết về “ý thức chiếm đoạt”. Tài liệu của viện kiểm sát cũng thể hiện, ngoài khoản thiếu nợ 5 bị hại, bà Dung đã trả đủ các ngân hàng hơn 44 tỷ đồng.
Tố tụng có nhiều “điểm mờ”
Vụ án này ngay từ giai đoạn điều tra đã bộc lộ nhiều vấn đề. Tại tòa, luật sư Lê Anh Tuấn một lần nữa cáo buôc cơ quan điều tra chậm trễ trong việc thông báo cho luật sư lịch lấy cung bị can. “Bắt đầu hỏi cung từ đầu tháng 7 mà đến giữa tháng tôi mới nhận được lịch lấy cung” – ông Tuấn cho hay.
Tại tòa, trả lời thẩm vấn của chủ tọa, công tố viên bị cáo nhiều lần phản cung và luật sư cũng chỉ rõ nhiều “điểm mờ” trong cáo trạng chưa được đối chất làm rõ nhưng rốt cuộc không được hội đồng xét xử xem xét.
Đặc biệt, theo luật sư Luân, đó là việc quy kết bị cáo lừa đảo - một tội danh có cấu thành vật chất - mà chưa tách bạch được số tiền nào bị cáo vay, số tiền nào bị cáo trả và số tiền thực tế bị cáo bị cho là “lừa” của người cho vay. “Nói khoản tiền bị cáo trả lãi cho các bị hại từ trước khi bị tố cáo ra cơ quan điều tra là khoản khắc phục hậu quả thì quả thức tôi không hiểu đại diện viện kiểm sát tư duy như thế nào”?, ông Luân nói.
Trong một vụ án tương tự xẩy ra trước vụ án của bà Dung, tòa Khánh Hòa cũng đã xử tù một nữ đại gia bất động sản khác của Nha Trang sau đó bị tòa phúc thẩm tuyên trả hồ sơ điều tra lại.
Cùng thời điểm tòa xử bà Dung, tại Hà Nội, trong hội thảo về thị trường bất động sản - giải pháp và cơ hội tiếp cận các tổ chức tín dụng do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12/9, các chuyên gia đã công bố số vốn bị "găm" lại do thị trường đóng băng lên tới 2,86 tỷ USD.
Bình luận sau khi kết thúc phiên tòa, một người dự khán cho rằng, nếu xử thế này thì không còn ai dám kinh doanh. “Kinh doanh có lời, có lỗ và thậm chí có phá sản. Kinh doanh là cả quá trình, và có việc người kinh doanh vay tiền cầm cự bù đắp thua lỗ trước mắt với kỳ vọng bất động sản sẽ khởi sắc trở lại để có tiền trả nợ mà không lường trước được thực tế đóng băng hiện nay. Nói bị cáo năm 2008 không còn đầu tư thêm lô đất nào rồi quy kết như vậy là bị cáo không còn kinh doanh mà vẫn lừa vay tiền thì thực sự không hiểu gì về kinh doanh” – vị này nói. |
Đức Tùng