Quỹ tín dụng nhân dân: Nhiều nhưng quản trị kém
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 42/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định về việc bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành đã làm thay đổi cơ sở pháp lý có liên quan đến việc tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của QTDND tại Quyết định số 24/2006/QĐ-NHNN ngày 06/6/2006 (Quyết định 24) và Quyết định số 26/2008/QĐ-NHNN ngày 09/9/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24 (Quyết định 26).
Đồng thời, một số quy định về trình tự, thủ tục tổ chức lại QTDND tại Quyết định 24 và Quyết định 26 chưa được quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ, và không còn phù hợp với các quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động của QTDND.
Trong khi đó, số lượng các QTDND của Việt Nam nhiều, tuy nhiên phần lớn QTDND có quy mô nhỏ về vốn và tổng tài sản, quản trị điều hành hạn chế, quản trị rủi ro bất cập, yếu kém. Thông qua việc tổ chức lại, QTDND có thể phát huy được những ưu thế về địa bàn và liên kết cộng đồng, khắc phục được các mặt còn tồn tại, yếu kém.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về chia, tách QTDND là cần thiết nhằm xử lý vấn đề về địa bàn hoạt động của QTDND theo định hướng tại Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 05/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn hoạt động tổ chức tín dụng là hợp tác xã. Theo đó, phạm vi hoạt động của QTDND tiếp tục được giới hạn trong địa bàn một xã, phường, thị trấn, xã liền kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính.
Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thu hồi giấy phép, giải thể, thanh lý đối với QTDND là một trong những giải pháp được đặt ra đối với quỹ tín dụng nhân dân.
Quỹ tín dụng nhân dân chỉ hợp nhất, sáp nhập với Quỹ tín dụng nhân dân
Dự thảo Thông tư điều chỉnh việc tổ chức lại QTDND dưới các hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, trong đó bao gồm cả sáp nhập, hợp nhất QTDND được kiểm soát đặc biệt, trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép của QTDND và trình tự, thủ tục thanh lý tài sản của QTDND dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Đối tượng áp dụng của Thông tư bao gồm QTDND và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của QTDND.
Dự thảo Thông tư không quy định trường hợp QTDND hợp nhất, sáp nhập với các loại hình tổ chức tín dụng khác trừ QTDND, do mục tiêu, tôn chỉ hoạt động, cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động của QTDND là khác biệt so với các loại hình tổ chức tín dụng khác, dẫn đến việc xử lý sau sáp nhập, hợp nhất rất phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Mặt khác, hoạt động của QTDND mang tính đặc thù, việc sáp nhập với các loại hình tổ chức tín dụng khác sẽ làm sai lệch mục tiêu và tôn chỉ hoạt động của QTDND.
Việc tổ chức lại QTDND dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo hoạt động bình thường của QTDND, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của khách hàng tại các QTDND tham gia tổ chức lại, tuân thủ quy định của pháp luật về tổ chức lại.
Việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình tổ chức lại QTDND đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của QTDND tham gia tổ chức lại, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tổ chức lại QTDND.
Không được tẩu tán tài sản, thay đổi công nợ trong quá trình xử lý QTDND
Dự thảo Thông tư quy định các hành vi bị cấm trong quá trình tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của QTDND, công bố Quyết định thu hồi Giấy phép và hồ sơ, trình tự thu hồi Giấy phép nhằm tránh thất thoát tài sản, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tạo cơ sở cho QTDND tự bảo vệ mình.
Theo đó, việc tổ chức lại QTDND tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Việc tổ chức lại QTDND được thực hiện trên cơ sở phương án tổ chức lại đã được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt, phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường của QTDND và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên QTDND, khách hàng trong quá trình tổ chức lại.
Dự thảo cũng đưa ra quy định nghiêm cấm QTDND cất giấu, tẩu tán tài sản trong quá trình tổ chức lại. Đây là nguyên tắc cũng phải tuân thủ trong quá trình thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của QTDND, theo đó, kể từ ngày Đại hội thành viên QTDND thông qua việc thu hồi Giấy phép hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản đình chỉ hoạt động và yêu cầu QTDND thực hiện thanh lý tài sản, nghiêm cấm QTDND cất giấu, tẩu tán tài sản, chuyển nhượng vốn góp của thành viên. Đồng thời, nghiêm cấm QTDND thanh toán nợ không có bảo đảm, trừ các khoản nợ vay đặc biệt theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Các hành vi bị cấm khác trong quá trình thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của QTDND là: Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của quỹ tín dụng nhân dân; Cầm cố, thế chấp, tặng, cho và cho thuê tài sản; Ký kết thỏa thuận, hợp đồng mới trừ các thỏa thuận, hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động; Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.