Ngành Du lịch sẽ giảm khoảng 30% chi phí điện
Trong đề án cải tiến biểu giá điện bán lẻ Bộ Công Thương đang đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND các tỉnh và người dân, ngoài các phương án thay đổi biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt (có tác động đến đại đa số các hộ dân) còn có phương án “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất”.
Trước đây, giá điện áp dụng với cơ sở lưu trú du lịch là giá điện kinh doanh với 2 mức giá bình quân là 2.606 đồng/kWh và 2.777 đồng/kWh. Với việc áp dụng giá điện theo các ngành sản xuất, chi phí tiền điện của các DN du lịch sẽ giảm đáng kể (các mức giá bình quân sau thay đổi sẽ là 1.743 đ/kWh và 1.830 đ/kWh).
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, phương án này thực hiện theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có nội dung hoàn thiện thể chế, chính sách.
Do đó, tại đề án cải tiến biểu giá điện bán lẻ mới nhất này, Bộ Công Thương đã đề xuất bổ sung đối tượng khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, DN dịch vụ logistics được áp dụng giá bán điện theo các ngành sản xuất. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khi áp dụng biểu giá điện đưa cơ sở du lịch về giá điện sản xuất, các cơ sở lưu trú sẽ có mức giảm tiền điện từ 29,9 - 32,8%.
Trên thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã từng tính toán liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện của nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" bằng giá bán lẻ điện nhóm khách hàng sản xuất. Kết quả cho thấy, nếu phương án này được thông qua, doanh thu bán điện của EVN sẽ giảm khoảng 1.858 tỷ đồng (theo số liệu năm 2016) và khoảng 2.600 tỷ đồng (với số liệu năm 2018). Do đó, theo EVN, cần thiết phải điều chỉnh tăng giá cho nhóm khách hàng sản xuất để bù đắp cho khoản giảm doanh thu này cũng như làm giảm khoảng cách với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ.
Giải quyết phần thiếu hụt ra sao?
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, khi tính đến phương án đưa giá điện vẫn áp dụng cho các cơ sở lưu trú về giá bán điện sản xuất, đơn vị tư vấn cũng đưa ra giải pháp bù đắp phần chênh lệch doanh thu bán điện thiếu hụt.
Cụ thể, theo đơn vị tư vấn, thực tế, hiện giá bán điện cho sản xuất đang không phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh điện (thấp hơn so với chi phí phân bổ) nên phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù khoảng 4% đến 8% từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất.
Lý giải nguyên nhân dùng giá điện này để bù cho phần thiếu hụt, đơn vị tư vấn cho biết, do giá bán lẻ điện bình quân giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52% đến 56%). Giá điện giờ bình thường và cao điểm giữ nguyên theo mức giá theo quy định hiện hành tại Quyết định 648/QĐ-BCT (chỉ tăng giá điện giờ thấp điểm và không điều chỉnh giá điện giờ bình thường và cao điểm).
Ưu điểm của phương án này là đảm bảo dần tính đúng, tính đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất. Tuy nhiên, với phương án này, các DN sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá từ 1,27% đến 3,85% trong bối cảnh ngành sản xuất đang phục hồi hoạt động. Việc điều chỉnh tăng giá sẽ gây tác động bất lợi đến các ngành sản xuất.
Ngoài phương án bù từ giá điện trong giờ thấp điểm, đơn vị tư vấn cũng đưa ra thêm phương án 2. Theo phương án này, phần thiếu hụt sẽ phân bổ cho tất cả các nhóm khách hàng sử dụng điện. Phần thiếu hụt doanh thu khoảng 2.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,74% tổng doanh thu bán điện của EVN.
Ưu điểm của phương án này là khoản tiền khoảng 2.800 tỷ đồng được phân bổ đều cho tất cả các nhóm khách hàng sử dụng điện. Do đó, ảnh hưởng của việc phân bổ khoản giảm doanh thu này ở mức thấp so với phương án phân bổ cho nhóm khách hàng sản xuất và đảm bảo trong phạm vi tăng giảm 2% - mức cho phép theo quyết định cũ.