Thế nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay. So với phương án 6 vùng (như hiện nay), thì tại phương án 7 vùng kinh tế - xã hội, có vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là giữ nguyên.
Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc tách thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị. Nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận ở duyên hải Nam Trung Bộ vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay. Thành lập vùng Nam Trung Bộ bao gồm: Thừa Thiên - Huế, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Chẳng biết dựa vào tiêu chí nào, khoa học hay chưa khoa học nhưng sau khi tham khảo ý kiến các bộ, ngành, địa phương có ý kiến đề nghị xem xét tỉnh Thừa Thiên - Huế nên đưa vào vùng Bắc Trung Bộ, cân nhắc đưa tỉnh Lâm Đồng vào vùng Đông Nam Bộ, Thanh Hóa nên đưa vào vùng Tây Bắc, Long An và Tiền Giang đưa vào vùng Đông Nam Bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cân nhắc phương án khác, không đưa Tây Nguyên vào vùng Nam Trung bộ hay Lâm Đồng vào Đông Nam Bộ.
Không nói thì ai cũng nhận ra, trong các điểm yếu về quản trị quốc gia, chúng ta “yếu nhất” về quy hoạch. Tâm lý của chúng ta thích “chia” nhưng thiếu “liên kết”. Suy cho cùng, chưa vượt qua được “tâm lý tiểu nông” thích “chia” để mạnh ai nấy làm. Đã có thời, một số địa phương “ngộ” ra cần phải liên kết nên ngoài việc quốc gia “chia vùng”, nhiều địa phương giáp ranh cũng “chạy” quy hoạch liên kết. Ví dụ: Thanh Hóa và Nghệ An có quy hoạch nam Thanh – bắc Nghệ; Hà Tĩnh cũng đã từng tính “quy hoạch liên kết” vùng nam Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình. Vì nhiều nguyên nhân, các quy hoạch này chủ yếu nằm “trên giấy” hoặc đang ở trong “kệ” các bộ não nào đó.
Từ năm 2004 Thủ tướng đã thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, sau 15 năm đến nay sự phối hợp các địa phương còn mang tính hình thức, thiếu các cơ chế hiệu quả để tạo sự liên kết. Dễ nhận ra, địa phương nào cũng vì nhiệm vụ tăng trưởng của mình nên cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Nhiều địa phương vẫn muốn duy trì cơ cấu sản xuất toàn diện và khép kín, tức là bài học “liên kết” không thuộc.
Câu chuyện 6 vùng hay 7 vùng nhiều khi “không lớn”, điều quan trọng nhất là hiểu về liên kết trong thời kỳ chuỗi giá trị như thế nào?