Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định về thương lượng việc bồi thường như sau:
(1) Thời hạn thương lượng.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại, cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiến hành thương lượng, việc thương lượng phải được hoàn thành. Trường hợp vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng tối đa là 15 ngày;
- Thời hạn thương lượng có thể được kéo dài theo thỏa thuận giữa người yêu cầu bồi thường và người giải quyết bồi thường nhưng tối đa là 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này.
Quy định kéo dài thời hạn thương lượng việc bồi thường là quy định mới được Luật bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, theo đó, nhiều trường hợp người bị thiệt hại mong muốn được kéo dài thời gian thương lượng để qua đó, các bên có thể nắm bắt kỹ lưỡng hơn yêu cầu của nhau để tiến tới thống nhất việc giải quyết bồi thường.
(2) Nguyên tắc thương lượng
Việc thương lượng phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
- Người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường đều bình đẳng trong quá trình thương lượng;
- Bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các thành phần tham gia thương lượng;
- Nội dung thương lượng, kết quả thương lượng về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường phải phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN.
(3) Thành phần thương lượng.
Thành phần tham gia thương lượng việc bồi thường bao gồm:
- Đại diện lãnh đạo cơ quan giải quyết bồi thường chủ trì thương lượng việc bồi thường;
- Người giải quyết bồi thường;
- Người yêu cầu bồi thường, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật TNBTCNN (những người yêu cầu bồi thường này bao gồm: người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của BLDS) (nếu có);
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
Quy định đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tham gia thương lượng là quy định mới được Luật bổ sung. Quy định này xuất phát từ thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ việc khi có sự tham gia thương lượng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thì người bị thiệt hại cảm thấy tin tưởng hơn, đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước góp phần giải thích kỹ lưỡng về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, có ý kiến về các vấn đề mà người bị thiệt hại yêu cầu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường. Về phía cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước cũng trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn nên giúp cho việc giải quyết bồi thường được thuận lợi và đạt hiệu quả. Chính vì vậy, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung quy định trách nhiệm tham gia thương lượng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
- Đại diện Viện Kiểm sát có thẩm quyền trong trường hợp vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự;
Quy định đại diện Viện Kiểm sát tham gia thương lượng là quy định mới được bổ sung. Quy định này xuất phát từ thực tiễn cho thấy, trong nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, mặc dù Viện Kiểm sát không phải là cơ quan giải quyết bồi thường nhưng có tham gia thương lượng. Viện Kiểm sát tham gia thương lượng cũng sẽ nắm bắt được tình tiết vụ việc ngay từ đầu để phục vụ tốt hơn cho việc kiểm sát xét xử nếu vụ việc tiếp tục được người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự. Chính vì vậy, Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung quy định trách nhiệm tham gia thương lượng của Viện Kiểm sát đối với các vụ việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết bồi thường có thể mời đại điện cơ quan tài chính cùng cấp, cá nhân, tổ chức khác, yêu cầu người thi hành công vụ gây thiệt hại tham gia thương lượng.
(4) Địa điểm thương lượng.
Việc thương lượng được thực hiện tại một trong các địa điểm sau đây:
- Trường hợp người yêu cầu bồi thường là cá nhân thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu bồi thường cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Trường hợp người yêu cầu bồi thường là tổ chức thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(5) Nội dung thương lượng.
Nội dung thương lượng việc bồi thường bao gồm:
- Các loại thiệt hại được bồi thường;
- Số tiền bồi thường;
- Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có);
- Phương thức chi trả tiền bồi thường;
- Các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường.
(6) Trình tự tiến hành thương lượng.
Việc thương lượng được thực hiện theo các bước sau đây:
- Người yêu cầu bồi thường trình bày ý kiến về yêu cầu bồi thường của mình và cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường của mình (nếu có);
- Người giải quyết bồi thường công bố báo cáo xác minh thiệt hại;
- Người giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường trao đổi, thỏa thuận về các nội dung thương lượng quy định tại khoản 5 Điều 46 (bao gồm: các loại thiệt hại được bồi thường; số tiền bồi thường; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); phương thức chi trả tiền bồi thường; các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường);
- Đại diện cơ quan giải quyết bồi thường trình bày ý kiến; người thi hành công vụ gây thiệt hại trình bày ý kiến (nếu có); cá nhân, đại diện tổ chức khác phát biểu ý kiến theo yêu cầu của người chủ trì;
- Đại diện cơ quan tài chính nêu ý kiến về các loại thiệt hại, mức thiệt hại, số tiền bồi thường (nếu có);
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước phát biểu ý kiến.
(7) Lập biên bản thương lượng.
- Việc thương lượng phải được lập thành biên bản;
- Trường hợp các bên tiến hành thương lượng nhiều lần thì sau mỗi lần thương lượng đều phải lập biên bản;
- Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người giải quyết bồi thường phải lập biên bản kết quả thương lượng.
Biên bản kết quả thương lượng phải ghi rõ những nội dung về: Các loại thiệt hại được bồi thường; số tiền bồi thường; khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); phương thức chi trả tiền bồi thường; các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường.
Biên bản kết quả thương lượng phải xác định rõ việc thương lượng thành hoặc không thành.
Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu bồi thường, chữ ký của đại diện các cơ quan, người tham gia thương lượng và được giao cho mỗi người 01 bản tại buổi thương lượng.
(8) Hậu quả pháp lý của việc thương lượng.
- Trường hợp thương lượng thành thì Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật TNBTCNN;
- Trường hợp thương lượng không thành thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật TNBTCNN.
Quy định về việc thương lượng không thành thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường là quy định mới bổ sung so với Luật TNBTCNN năm 2009. Theo đó, không phải đợi đến lúc ra quyết định mà ngay tại giai đoạn thương lượng, nếu các bên không thể thống nhất nội dung thương lượng thì người yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện ngay để yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.