Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (ACNM-5) sáng nay chính thức khai mạc. Việc tổ chức ACNM-5 lần này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân các nước ASEAN.
Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 với chủ đề “Hợp tác Hải quân các nước ASEAN vì hòa bình và an ninh biển” diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh trên Biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, việc vi phạm chủ quyền quốc gia đối với một số nước ASEAN đang gây ra những lo ngại cho nhiều nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là những vi phạm luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tình hình trên không có lợi cho bất cứ quốc gia nào trong khối ASEAN, kể cả quốc gia không có biển. Để có thể vượt qua các thách thức này, hơn lúc nào hết Hải quân các nước phải tăng cường hợp tác, đoàn kết, thúc đẩy quan hệ để hỗ trợ các giải pháp hòa bình và đối thoại nhằm giảm thiểu các nguy cơ về xung đột vũ trang.
Các Tư lệnh Hải quân 9 nước ASEAN và Tùy viên Quân sự Lào tại Việt Nam đã thảo luận và đi đến thống nhất các tài liệu gồm Định hướng hợp tác Hải quân các nước ASEAN; giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân các nước ASEAN; thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân các nước ASEAN; giới thiệu “Hợp tác chia sẻ thông tin ASEAN”; sáng kiến “Gửi tín hiệu chào giữa tàu và máy bay hải quân khu gặp nhau trên biển”, các sáng kiến khác và đăng ký hoạt động hợp tác Hải quân ASEAN 2011-2012.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam cho biết: Tại Hội nghị, các đoàn đã trao đổi về tình hình an ninh khu vực, trong đó có tình hình an ninh Biển Đông, cho rằng có sự đan xen phức tạp giữa thách thức an ninh phi truyền thống và truyền thống trong môi trường biển khu vực mà một quốc gia đơn lẻ khó có thể tự giải quyết.
Hội nghị thừa nhận sự tồn tại tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa một số thành viên ASEAN cũng như giữa các nước này với ngoài khu vực, nêu rõ trong khi chưa có một cơ chế quản lý xung đột hữu hiệu thì những tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột, kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao hòa bình, dựa trên cơ sở Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982(UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 (DOC), hướng đến đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời hoan nghênh nỗ lực mới đây của hai bên trong việc đạt được Hướng dẫn thực thi DOC.
Hội nghị cũng khuyến nghị ASEAN có những bước đi chủ động, ngoài nỗ lực của từng quốc gia thì cần có nỗ lực chung ASEAN trong việc đảm bản an ninh biển vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Hội nghị đã đánh giá cao sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, Singapore, Indonesia cũng như đóng góp của các đoàn hướng vào hợp tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh trên biển.
Chiều nay, các trưởng đoàn đến chào xã giao Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thăm Bảo tàng Hải quân. Ngày 28/7, đoàn tới thăm Đơn vị tên lửa bờ 679.
Lam Hạnh