Phản ứng chính sách kịp thời..
Tiếp theo chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” năm 2023, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 vừa diễn ra chiều 06/06 có chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”
Chia sẻ về chủ đề của Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư- đơn vị chủ trì diễn đàn dẫn báo cáo của Chính phủ, trong đó đã khái quát tình hình hiện nay là “nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn”.
“Rõ ràng chúng ta đang không ở trong điều kiện “thuận buồm xuôi gió”. Vấn đề là ứng biến như thế nào với vạn biến đó?" - ông Minh đặt vấn đề.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng đã chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới đang tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.
Dựa trên những kết quả đạt được và đánh giá xu hướng thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, đúng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã quyết nghị, để chủ động trong điều hành.
“Có nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen cả từ bên ngoài và bên trong, để chúng ta có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế” - Thứ trưởng Phương nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn |
Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 mới đây về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, khơi thông các thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu DN, thị trường tài chính và tiền tệ… để góp phần giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn.
“Chúng ta phải kiên định với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi thị trường và kinh tế thế giới có “vạn biến”…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp ứng phó với thể chế như thế nào?
Tại diễn đàn, các ý kiến đều đồng tình cần có các giải pháp ứng phó với vạn biến. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, càng vạn biến thì nên càng ít ứng biến. Theo ông, các vạn biến này là nhân tố của sự bình thường, nên chúng ta phải hết sức bình tĩnh, việc mình mình làm, không hơi đâu chạy theo vạn biến. “Trong cái vạn biến đó, quan trọng là chúng ta phải thay đổi thể chế, thay đổi thể chế chính là thay đổi chính mình...” - TS Nghĩa đề xuất.
Đồng thời ông Nghĩa lưu ý, “dĩ nhất biến ứng vạn biến”, chúng ta phải tự thay đổi để phù hợp với xu thế (đa cực, kinh tế xanh - kinh tế số, khơi thông thị trường bất động sản…). “Nếu làm được như vậy tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ vững vàng hơn…” - TS Lê Xuân Nghĩa quả quyết,
Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp. |
Đề cập đến câu chuyện thể chế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vừa rồi Quốc hội đã thông qua 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng), Chính phủ đang trình Quốc hội đẩy hiệu lực sớm hơn 5 tháng.
“Vậy thì thay vì phân tích đúng sai, phù hợp hay không phù hợp - đó là câu chuyện của tương lai, các DN cần phải ứng biến như thế nào? Nếu có hiệu lực sớm hơn 5 tháng liệu kế hoạch sản xuất kinh doanh như thế nào? Nếu các luật đó không có hiệu lực trước 5 tháng thì kịch bản sẽ như thế nào?” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra gợi ý.
Về thể chế tương lai, ông cho rằng, ai ũng mong muốn và kỳ vọng sự cải cách thể chế trong bối cảnh mới, nhưng cần nhấn mạnh cải cách đó phải trong tư duy mới, tâm thế mới. Cải cách thể chế phải phù hợp với bối cánh mới diễn biến mới …