Một ca sĩ opera xinh đẹp người Anh đã từng dũng cảm giấu tài liệu mật trong người khi biểu diễn trước trùm phát xít Đức Hitler. Tuy nhiên, câu chuyện thật về nữ điệp viên này đã không được nhiều người biết đến kể từ sau Đại chiến Thế giới thứ hai…
Một ca sĩ – điệp viên xinh đẹp
Cuộc đấu giá tại Anh những bức ảnh được chụp trong một nhà tù ở Đức từ Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa ra ánh sáng câu chuyện về một nữ điệp viên ít người biết đến, một ca sĩ opera người Anh tên là Margery Booth. Nữ điệp viên này đã từng làm việc cho cơ quan tình báo Anh. Cô đã thực hiện những “pha” hết sức nguy hiểm trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của mình, đặc biệt là những “pha” giấu nhiều tài liệu mật bên trong quần áo khi biểu diễn trước trùm phát xít Hitler.
Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Margery Booth đã kết hôn với một người Đức Giáo sư Egon Strohm, sau đó theo chồng sang Đức. |
Sinh ra gần Manchester, Margery Booth đã kết hôn với một người Đức, Giáo sư Egon Strohm, trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Sau đó, bà theo chồng sang Đức. Nhờ tài năng âm nhạc với giọng nữ cao thanh thoát, Margery bắt đầu sự nghiệp của mình tại Covent Garden, London trước khi thành công vang dội ở Berlin. Trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Margery Booth đã bị đưa đi lấy lời khai trong một trại tù nhân rất đặc biệt, Stalag IIID. Trại này tập hợp nhiều binh lính Anh mà người Đức lúc đó muốn tuyển dụng cho Lực lượng Tự do người Anh, một đơn vị thuộc Waffen SS gồm những người Anh ủng hộ Đức Quốc xã.
Trong một chuyến tới Stalag, ở gần Berlin, Margery Booth đã tiếp xúc với John Brown, một tù nhân lúc đó là một trong những điệp viên Anh giỏi nhất trong cuộc chiến. John Brown – lúc đó là hạ sĩ quan thuộc Lực lượng Pháo binh Hoàng gia Anh– đã từng là tù nhân tại Dunkerque năm 1940. Rất nhanh, Brown đã thành công trong việc gây dựng lòng tin của người Đức tại trại tù nhân Stalag IIID. Brown đã tự nhận mình thuộc Liên minh Fascist của Anh, đảng phát xít người Anh. Tuy nhiên, trên thực tế, Brown đã được cơ quan tình báo Anh (MI9) huấn luyện vai trò làm một “tên tù nhân đặc biệt”.
“Trại an dưỡng”
Nhờ chiếm được lòng tin của người Đức, tại Stalag IIID, nơi Hội Chữ Thập Đỏ gọi biệt danh là “Trại an dưỡng” vì điều kiện giam giữ tại đây rất mềm dẻo, Brown được giao trách nhiệm chọn ra một vài bức ảnh được đem bán đấu giá vào cuối tháng.
Sau khi nghe Margery Boot kết thúc phần khai báo của mình tại Statag, John Brown đã biết đây là một phụ nữ luôn trung thành với tổ quốc mình. Brown đã nhiều lần giúp Margery tuồn ra ngoài trại những thông tin về các mục tiêu quân sự chiến lược cũng như những thông tin về một số kẻ phản bội người Anh làm việc cho Đức Quốc Xã.
Và chính những cuộc gặp với John Brown đã giúp Margery Boot được gặp và hát trước trùm Hitler tại nhà hát Berlin, trong khi giấu bên trong quần áo lót nhiều tài liệu mật. Những thông tin mà Boot chuyển thành công về London đặc biệt đã giúp chính quyền Anh, sau chiến tranh, phát hiện và kết án một số kẻ phản bội như William Joyce, một tên phát xít người Anh đã tuyên truyền trên đài phát thanh Đức và John Amery, một trong những nhà sáng lập Lực lượng Tự do Anh.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Margery Boot đã nhập lại quốc tịch Anh của mình và trở về sống tại Wigan. Nhưng vì Margery Boot đã từng sống tại Đức trong giai đoạn chiến tranh, nên bà đã bị những người xung quanh không biết những cống hiến của bà khinh biệt khiến bà phải di cư sang Mỹ, nơi bà qua đời tại đây năm 1952 khi mới 47 tuổi./.
Thủy Thu (Theo Figaro)