Câu chuyện đau lòng này xảy ra tại thôn Dương Lôi, phường Tân Hồng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Nhà nghèo, sắp đến Tết, anh nông dân quẫn trí lẻn vào chuồng gà nhà hàng xóm với ý định ăn trộm. Chưa kịp bắt hai con gà ra khỏi chuồng thì bị phát hiện, trong giá lạnh, anh ta nhảy xuống ao nước gần đó. Người làng hô hoán, ném đá khiến kẻ đạo chích vặt này tử vong.
Các đối tượng trong vụ án. |
“Kẻ cắp gặp bà già”
Vụ việc đau lòng trên diễn ra đã được hơn một năm nhưng nhắc đến dân làng thôn Dương Lôi ai cũng thở dài buồn nản pha chút ân hận. Buồn cho nạn nhân xấu số vì chỉ muốn gia đình có cái Tết tươm tất đã đánh liều đi trộm gà hàng xóm mà chịu cái chết thảm khốc. Buồn cho những kẻ bắt trộm đã quá tay giết người giờ phải rơi vào vòng lao lý khi tuổi đời họ mới mười chín đôi mươi.
Ông Nguyễn Đình Hồng, trưởng thôn Dương Lôi nhắc lại chuyện này trong vẻ bùi ngùi. Đêm xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận vào ngày 27 Tết năm 2011 (tức đêm 30/1/2011). Thôn Dương Lôi dù thuộc thị xã Từ Sơn nhưng là một thôn còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, thanh niên trong làng đi khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Gần Tết, dân làng tụ tập đông đủ, các hội đồng niên thường tổ chức liên hoan tổng kết dịp cuối năm để chuẩn bị đón năm mới.
Đêm hôm đó, anh Nguyễn Trọng Tuệ (SN 1964) cũng tham gia ăn liên hoan hội đồng niên tại nhà một người bạn. Nhưng anh vốn có thói quen chơi tá lả bài bạc, dịp cuối năm, anh tranh thủ liên hoan xong rồi ngồi vào “sới” với một nhóm bạn. Hơi men ngà ngà, số tiền anh lao động được trước đó để mua sắm đồ Tết chẳng mấy chốc “không cánh mà bay”.
Khoảng 10h đêm, anh rời khỏi sới bạc trong tình trạng “không một xu dính túi”. Lẩn thẩn ra về, anh “vò đầu bứt tai” không biết sẽ kiếm đâu ra số tiền để trang trải mua sắm đồ tết cho gia đình. Đúng lúc ấy, trong đầu anh lóe lên một ý định: Trộm gà.
Anh về chuẩn bị một cuộn dây nilon rồi cẩn thận dắt kín vào trong túi áo. Khi ấy hàng xóm có nhà bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1965) có tiếng nuôi được nhiều gà béo tốt. Năm nào dịp gần Tết nhà bà cũng mang nhiều gà nhất ra chợ bán. Hơn nữa nhà bà Xuân vốn neo đơn, chồng mất sớm, con trai mới lớn đang tụ tập hội đồng niên ở nhà người khác, chỉ có mỗi bà Xuân cùng cô con gái nhỏ tuổi ở nhà.
Do quen địa hình, lại thành thạo đi đêm nên Tuệ dễ dàng tiếp cận chuồng gà nhà hàng xóm. Thấy có người lạ, trong đêm tối đàn gà phản ứng khi lác đác vài con kêu lên quang quác. Về phần bà Xuân, dù đêm đã muộn, lại đang nằm trong chăn ấm nhưng chỉ một biểu hiện lạ của đàn gà cũng khiến bà sực tỉnh cầm chiếc đèn pin ra kiểm tra.
Sau một lúc soi đèn, bà phát hiện ra một bóng người đang nằm dán vào tường ở phía trong. Suýt nữa thì bà không phát hiện ra vì đàn gà gần trăm con to nhỏ chen chúc nhau che khuất tầm nhìn. Đúng lúc này thì con trai mới lớn của bà mở cổng đi chơi về. Thấy người lạ trong chuồng gà nhà mình nhưng bà giả vờ chưa nhận ra và mau lẹ quay lại cổng nhà báo cho con trai là Nguyễn Đình Đáp (SN 1994).
Chiếc ao nơi xảy ra vụ án mạng |
Kẻ trộm thà chết chứ không chịu nhục
Nghe mẹ mách có kẻ lạ đang bắt trộm gà trong nhà mình giữa đêm khuya, Đáp liền vác gậy tre gần đó lao đến đánh. Thấy mình bị lộ, kẻ trộm chồm dậy thoát thân. Khi ấy thời tiết rét căm căm, trời thì tối đen mù mịt.
Phía đằng sau chuồng gà là cái ao tù bẩn thỉu và hôi hám nhưng kẻ trộm đã liều mình nhảy xuống đó hòng tẩu thoát. Thấy vậy, bà Xuân la hét kêu “trộm, trộm” nhằm đánh thức cả làng ra bắt kẻ xấu. Đồng thời khi ấy, Đáp liên tục dùng đèn pin soi và dùng đất đá, gạch ném vào người kẻ trộm đang vùng vẫy dưới ao.
Thấy tiếng kêu trộm, hàng xóm ai nấy đều bật dậy ra xem. Đám thanh niên trong làng khi ấy cũng mới nhậu nhẹt trong liên hoan hội đồng niên xong nên ra xem rất đông. Dân làng hò reo, vây kín mít cả bờ ao. Quá khích nhất là đám thanh niên, trong người họ khi ấy lại sẵn hơi men nên cứ ai cầm được đá, gạch hay gậy là ném tứ tung xuống ao, hòng “trừng phạt” kẻ trộm.
Khi ấy ở trên bờ, bà Xuân nói vọng xuống ao rằng “nếu là người làng thì hãy lên tiếng, mọi người sẽ tha cho”. Nhưng vì sợ sệt và xấu hổ, Tuệ không lên tiếng mà nấp vào những mảng ao bèo và vớ được một cái ô màu xanh rách mang ra che mặt khi mọi người soi đèn pin. Thấy vậy, nổi máu “anh hùng rơm”, Mai Phi Thắng (SN 1991) và Nguyễn Đình Quý (SN 1992) là những thanh niên trong làng có mặt ở đó liền dùng một chiếc thuyền nhỏ bơi ra giữa ao tiếp cận kẻ trộm. Bơi đến gần, hai tên này dùng cuốc, gậy đánh đập nhiều nhát vào người Tuệ. Sau đó họ mới lôi kẻ trộm lên bờ. Khi ấy, rất đông người dân xúm vào, mỗi người lao vào đấm đá kẻ trộm một cái cho “hả dạ”. Khi lực lượng công an đến thì anh Tuệ đã bất tỉnh. Anh nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi.
Sáng sớm hôm sau, bà Xuân vào chuồng gà kiểm tra thì thấy có hai con gà bị trói bằng dây nilon. Ngay cạnh đó là một cuộn dây nilon khác được bỏ lại.
Nỗi đau ở lại
Sau khi vụ án xảy ra, đám thanh niên quá khích đã bị công an bắt tạm giam. Cái Tết năm ấy ở làng là một cái Tết buồn khi chỉ vì hai con gà oan nghiệt mà một gia đình mang nỗi đau mất người, nhiều gia đình khác có người dính vào vòng lao lý. Một ngày đầu năm 2012, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa, tuyên phạt đối tượng Mai Phi Thắng và Nguyễn Đình Quý mỗi người 7 năm tù giam; Nguyễn Đình Đáp 5 năm tù giam về tội danh Giết người.
Kẻ trộm xấu số đã chết, đám thanh niên quá khích bị trừng trị nhưng để lại sau lưng họ là nỗi đau của gia đình. Từ khi người chồng bị đánh chết chỉ vì có ý định trộm hai con gà, người vợ là bà Nguyễn Thị Giàng chỉ suốt ngày quanh quẩn ở nhà. Đứa con trai thì từ khi bố mất lao vào chơi bời, rồi giờ nghiện ngập. Niềm hy vọng cuối cùng của bà còn lại là đứa con gái út vẫn đang đi học.
Hàng ngày, bà ra trung tâm thị xã Từ Sơn để rửa bát làm thuê nuôi con gái. Từ khi sự việc xảy ra bà cũng ít tiếp xúc với dân làng. Phần cũng vì xấu hổ, phần lại do dân làng đã đối xử quá thậm tệ với chồng bà dẫn đến cái chết thảm.
Còn gia cảnh nhà bà Xuân ảm đạm chẳng kém. Chồng bà mất sớm, bà có mỗi hai đứa con thì một đứa vì tội giết người mà đi tù, niềm hy vọng còn lại của bà cũng chỉ có đứa con gái út. Không hẹn mà gặp, gia cảnh người bị đánh chết và người đi tù thật trùng hợp ngẫu nhiên. Tội ác qua đi, bỏ lại sau lưng là những người phụ nữ bất hạnh.
Theo trưởng thôn Nguyễn Đình Hồng, trước khi xảy ra vụ án, những người trong cuộc đều là những dân làng sống hiền lành, chất phác, chưa có tiền án tiền sự. Đặc biệt, kẻ gây ra tội ác là những thanh niên còn rất trẻ. Chỉ vì những suy nghĩ bồng bột mà họ đã gây ra hậu quả lớn. “Dân làng ở đây có thói quen xấu là cứ người lạ vào làng ăn trộm là tập trung ra đánh “hội đồng”.
Trước đấy đã mấy trường hợp vài kẻ trộm chó lạ mặt bị “ăn đòn” nhừ tử rồi. Nếu dân làng biết trước kẻ trộm gà hôm đó là anh Tuệ cùng làng thì chẳng ai đánh anh đến nỗi ấy đâu. Nhưng chắc anh ấy “ngại” với dân làng, không dám lộ mặt là kẻ ăn trộm nên mới bị đánh đến chết. Đây cũng là một bài học đắt giá cho dân làng. Kẻ trộm là người xấu, nhưng cứ thấy trộm là xúm vào đánh tập thể cũng là hành động đáng lên án”, vị trưởng thôn tiếc nuối.
Minh Hữu