Các bé khi vào bệnh viện đều có triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu đã được điều trị trước đó nhưng không giảm đến nhập viện. Cụ thể, bé T.T.L (6 tuổi) và bé T.P.Đ (9 tuổi, là anh em ruột cùng ngụ TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được Trung tâm y tế Thị xã Bình Minh chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sốt, nôn ói, ăn kém, đặc biệt là đau đầu dữ dội.
Theo gia đình, trước khi bệnh, hai bé hoàn toàn khỏe mạnh, không ăn đồ hải sản sống. Tuy nhiên, 2 bé thường tiếp xúc và chơi đùa với chó được nuôi trong nhà. Tương tự, bé L.H.M (5 tuổi) bị sốt 5 ngày liền, nôn ói, táo bón, đau đầu có điều trị không giảm nên người nhà đưa bé nhập viên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.
Các bé được điều trị thành công và khỏe mạnh, không còn các triệu chứng như khi vừa nhập viện. |
Cả 3 trường hợp được chọc dịch tủy sống có kết quả tế bào tăng cao với eosinophil chiếm hơn 10% số lượng tế bào trong dịch não tủy, test nhanh dương tính với Toxocara (giun đũa chó, mèo). Qua điều trị, các bé hết sốt, hết đau đầu, không nôn ói, ăn uống khá. Đến ngày 11/9, sau điều trị 15 ngày và kết quả kiểm tra dịch não tủy bình thường thì 1 bé được xuất viện còn 2 bé tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Truyền Nhiễm.
Tình trạng nhiễm giun ở trẻ em thường gặp ở các nước đang phát triển, và nước ta có khí hậu nóng, ẩm thuận lợi cho mầm bệnh giun sán phát triển quanh năm. Đa số bệnh giun sán ở người có nguồn gốc từ thú nuôi, thú hoang dã và các yếu tố nguy cơ: đời sống kinh tế xã hội, tập quán canh tác, tập quán vệ sinh, vệ sinh môi trường... nên bệnh giun sán là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta.