Hồ sơ lần này mang tên “Paradise Papers” gồm 13,4 triệu văn bản, đa số là tài liệu về các khách hàng của công ty luật Appleby đặt trụ sở tại quần đảo Cayman và Bermuda; cùng hai công ty luật Estera và Asiaciti Trust.
Chấn động toàn cầu
Đây là vụ rò rỉ hồ sơ tài chính thuế lớn thứ hai sau “Hồ sơ Panama” năm 2016 và cũng do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập. Hiện Paradise Papers đang được hơn 100 cơ quan truyền thông trên thế giới phối hợp khai thác, thông qua sự điều phối của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ). Ở Canada, hai tờ báo đăng tải thông tin đầu tiên về vụ rò rỉ này là đài CBC và nhật báo “Toronto Star” có lượng xuất bản lớn nhất nước.
Các tài liệu thu được từ 19 điểm “thiên đường thuế” đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới. Trong đó, có tên của 120 chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới, với hình thức giấu tiền được thực hiện qua một loạt khoản đầu tư vào các “công ty bình phong” đặt ở nước ngoài.
Theo tài liệu rò rỉ trong “Paradise Papers”, cả cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien và cố vấn của Thủ tướng Justin Trudeau đều có tên trong danh sách những người lập tài khoản đen hoặc sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở các thiên đường thuế. Tài liệu cho thấy ông Stephen Bronfman có dính líu tới quỹ tín thác ở quần đảo Cayman để giúp công ty gia đình Claridge, có trụ sở tại thành phố Montreal, trốn hàng triệu đôla tiền thuế. Tuy nhiên, ông Bronfman một mực bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định chưa bao giờ nhận tài trợ hay sử dụng bất kỳ tài khoản tín thác nào ở nước ngoài.
Ngoài Bronfman, cựu Thủ tướng Jean Chretien cũng có tên trong “Paradise Papers” với cáo buộc có “tài khoản ma” ở nước ngoài và từng nắm giữ 100.000 cổ phiếu của Madagascar Oil. Trong thông cáo báo chí sáng 6/11, ông Jean Chretien khẳng định chưa bao giờ lập bất kỳ tài khoản ngân hàng nào bên ngoài lãnh thổ Canada và cũng không hề nắm giữ số cổ phiếu trên. Ông cho biết Madagascar Oil là khách hàng của hãng luật Heenan Blaikie, nơi ông từng làm việc trước đây.
Mục đích giảm bớt tiền thuế
Trong số những người đầu tiên được nêu danh trong tài liệu “Paradise Papers” lần này còn có Nữ hoàng Anh với hai khoản đầu tư vào Quỹ bất động sản Duchy of Lancaster để mua các dự án ở quần đảo Cayman và Bermuda, mỗi khoản 5 triệu bảng Anh lần lượt vào các năm 2004 và 2005. Theo luật pháp Anh, Duchy of Lancaster không phải đóng thuế nhưng Nữ hoàng vẫn tình nguyện đóng thuế thu nhập. Vì thế, câu hỏi đặt ra hiện nay không liên quan đến việc Nữ hoàng Anh có đóng thuế hay không, mà là Duchy of Lancaster có nên rót tiền đầu tư vào các dự án ở các thiên đường thuế hay không. Duchy of Lancaster là quỹ cung cấp thu nhập cho Nữ hoàng Anh và quản lý các khoản đầu tư bất động sản trị giá 500 triệu bảng của Nữ hoàng. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng Nữ hoàng được thông báo về các khoản đầu tư cụ thể ở quần đảo Cayman và Bermuda (thông qua việc mua nhà bán lẻ BrightHouse và chuỗi cửa hàng Threshers) nhân danh bà.
Mặc dù đã bước đầu chỉ ra một số nhân vật “tai to, mặt lớn” có dính líu đến các hoạt động trốn thuế, nhưng những tiết lộ đầu tiên hôm 5/11 mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số các quan chức và giới nhà giàu thế giới tìm cách giấu tiền trong những tài khoản ma ở nước ngoài để trốn thuế. Dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới sẽ có thêm nhiều gương mặt được nhắc đến. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông không tiết lộ cách thức mua số tài liệu nói trên, cũng như từ chối đặt giới hạn về việc khai thác và công bố những nội dung trong “Paradise Papers”.
Về phần các công ty, các cái tên bị “xướng danh” có những tập đoàn lớn như Nike hay Apple. Tất cả những cá nhân và công ty được nêu danh trong tài liệu đều thực hiện thao tác né tránh thuế thông qua văn phòng luật Appleby, hoặc các văn phòng tư vấn kinh doanh đặt tại Bermuda hoặc tại các thiên đường thuế. Khác với vụ Panama Papers năm 2016, vụ việc lần này không liên quan đến việc rửa tiền mà chỉ là thao tác cất tiền nhằm hạn chế tối đa nghĩa vụ thuế.