[links()] Không ai ngờ thủ phạm vụ án giết bà Hoàng Thị Huế (SN 1961, ngụ ấp 3 Sông Ray, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) vào rạng sáng ngày 21/1/2012 lại chính là… chồng của nạn nhân cùng chung sống dưới một mái nhà. Dù đã có một kế hoạch sát hại vợ tương đối kín kẽ nhưng hung thủ Đặng Đức Trường (SN 1957) vẫn bị các cán bộ chiến sĩ công an tỉnh Đồng Nai vạch mặt sau nhiều ngày đấu trí.
Hiện trường vụ án |
Vụ ám sát kín kẽ
7h30’ ngày 21/1, chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi vụ án xảy ra, các chiến sĩ công an thuộc Phòng CSĐT TP về TTXH (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai cùng các bộ phận liên quan đã lập Hội đồng khám nghiệm, có mặt tại hiện trường điều tả sự việc. Hiện trường để lại nhiều mảnh vụn giấy cac - ton, mảnh nhôm, thép mỏng, vô số bi kim loại bị ám khói đen và nhiều vết máu nhỏ giọt. Miếng bạt dùng che mưa nắng trước hiên nhà thủng lỗ chỗ khắp nơi…
Cảnh sát nhận định đây là vụ án giết người có tính chất nghiêm trọng, hung thủ đã dùng mìn tự chế cài vào cửa và khi nạn nhân ra mở cửa đã “sập bẫy”. Nghi vấn khả năng động cơ gây án do mâu thuẫn tư thù cá nhân giữa đối tượng gây án với bà Huệ và người trong gia đình, tuy nhiên không loại trừ những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình nên công an vừa điều tra các đối tượng thuộc diện “ngoại công”, cũng xem xét đến người trong nhà là đối tượng “nội kích”.
Theo khai nhận của nạn nhân thì khoảng 6h hôm đó bà đi từ nhà ra mở cổng, đến gần phát hiện ra một bịch ni lông màu đen có chứa vật dụng bên trong được treo bên ngoài phía trái cánh cửa, nhưng tưởng là bịch rác nên bà không lưu tâm. Tuy nhiên khi mở khóa kéo, cánh cửa vào trong thì “bịch rác” này bất ngờ phát nổ, hàng trăm mảnh vụn từ bên trong bắn tung tóe khiến nạn nhân dính thương tích khắp mình.
Gia đình nạn nhân có bốn người con nhưng 3 người con đi làm xa, khả năng bị trả thù ở nhà khó xảy ra; riêng người con út đang sống cùng gia đình tuy trước đó có một số mâu thuẫn với thanh niên trong xóm và phải “biệt xư” một thời gian nhưng mâu thuẫn sau đó đã được hòa giải.
Bản thân bà Huệ kinh doanh buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, không gây thù chuốc oán với ai, những mâu thuẫn nếu có chỉ là mâu thuẩn nhỏ nhặt như lời qua tiếng lại về nợ nần vặt vãnh nên khó có thể chỉ vì chuyện này mà bị gài mìn ám sát. Chồng nạn nhân cũng không có “kẻ thù” nào do làm nghề bắt rắn, cá và lao động tự do, không có “hận thù” bào với ai.
Tìm hiểu mối quan hệ trong gia đình, cảnh sát nhận thấy trong ngôi nhà này có “nội chiến” dai dẳng giữa một bên là người chồng, phe còn lại là bà mẹ và các con. Trước đây, sau khi ra tù năm 2001, Trường bỏ bê không quan tâm đến gia đình; thường đi bắt rắn, cá hoặc đi trỉa bắp thuê kiếm tiền tiêu xài riêng cho bản thân. Dù là “ông chủ” trong nhà nhưng do mặc cảm tâm lý “không làm thì không ăn” nên mỗi lần vợ con dọn cơm ra, Trường đều bỏ đi ra ngoài chờ vợ con phải mời ăn thì mới vào.
Dù vậy nhưng nếu nấu cơm dở, “ông trời con” này cũng không ngại chửi bởi và “động thủ” với vợ con. Mâu thuẫn trong nhà lớn đến mức ngay cả khi con trai thứ ba lấy vợ, người cha cũng “mặc xác chúng bay” mà không ngó ngàng gì. Đỉnh điểm của xung đột là thời gian gần đây Trường có ý định bán đất để tiêu xài nhưng không được vợ con chấp nhận, rồi Trường đòi đứng tên mình trên sổ đỏ nhà đất nhưng bất thành nên hắn càng hậm hực với vợ con hơn.
Có một điều khiến các điều tra viên chú ý là tình tiết gã chồng có mặt tại hiện trường vụ án “quá nhiệt tình” trong việc cung cấp các thông tin giúp điều tra viên khoanh vùng đối tượng, phác thảo chân dung “nghi phạm”.
Việc người nhà nạn nhân nóng lòng muốn bắt được hung thủ cũng là điều dễ hiểu nhưng điều bất thường là từ lúc vụ việc xảy ra, biết vợ bị thương rất nặng, đang trong cơn nguy kịch, có thể nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông chồng này vẫn giữ được thái độ bình tĩnh đến điềm nhiên, lạnh lùng kêu con cái đưa mẹ đến bệnh viện; không hề có biểu hiện hốt hoảng hay lo lắng trước an nguy của người vợ mình. Từ đầu tới cuối ông chồng này không hề hỏi một câu đến tình trạng sức khỏe vợ mình đang được cấp cứu ở bệnh viện.
Lấy lời khai nạn nhân và những người hàng xóm sống sát bên cạnh, được biết hôm đó không hề nghe tiếng chó sủa dù nhà có nuôi chó dữ, thường cứ thấy động là chó sủa inh ỏi. Tình tiết này cho thấy nghi phạm có thể là “người quen” nên con chó mới không có động tĩnh gì.
Lần giở hồ sơ của người chồng, được biết trước Trường từng bị phạt tám năm tù về tội mua bán và tàng trữ chất nổ trái phép, trùng hợp với nhận định kể thủ ác phải là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chất nổ. Tất cả những tình tiết này cho phép công an xác định nghi phạm số 1 chính là Đặng Đức Trường, chồng nạn nhân.
Đối tượng Trường |
Cuộc đấu trí căng thẳng
Khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc, ban đầu Trường một mực chối tội “không biết, không liên quan” nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, những cuộc đấu trí kéo dài hàng chục tiếng đồng hồ đã buộc Trường phải thú nhận mình là hung thủ vụ án. Điều đáng nói là để xác định động cơ gây án của hắn, cảnh sát đã phải qua một cuộc đấu trí căng thẳng.
Trường cho biết mình là người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn, từ nhỏ đến năm năm 26 tuổi sống cùng cha mẹ tại quê nhà. Cha Trường vốn là bộ đội công binh đã nghỉ hưu, được chính quyền xã cử đi rà phá bom mìn tại địa phương. Thời gian này hắn thường xuyên theo cha đi làm nên hiểu được cách gỡ bom mìn và các loại thuốc nổ rồi một năm sau hắn đưa vợ con vào Đồng Nai lập nghiệp.
Năm 1996, lợi dụng hiểu biết của mình Trường đi nhiều nơi gỡ bom mìn, lấy thuốc nổ bán cho người bắt cá và có nhu cầu đào giếng, bản thân mình khi rảnh rỗi cũng sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nuôi gia đình. Cũng năm ấy hắn bị bắt giam, thụ án tám năm về tội mua bán và tàng trữ chất gây nổ trái phép. Sau khi ra tù do không có công việc lại sống phụ thuộc vào vợ con nên nhiều mâu thuẫn xảy ra. Trường khai: “Chán nản nên năm 2009 tôi bắt đầu chế tạo mìn”.
Ban đầu, Trường cho rằng do đứa con út ở cùng thường xuyên đi đánh bài, tụ tập về khuya làm mất giấc ngủ nên ông bố tức tối quyết làm mìn để “dạy nó một bài học”. Khoảng 1h sáng ngày 21/1, hắn dùng mìn tự chế cho vào bịch ni lông gài vào cánh cửa và việc “vợ tôi bị sát thương là ngoài ý muốn bởi tôi chỉ muốn hù dọa đứa con ngỗ ngược”. Tuy nhiên, động cơ gây án này không thuyết phục được các điều tra viên vì người con trai của Trường đã đi Bình Phước chơi cách đó hai ngày, lời khai của Trường “dùng mìn để dạy con” là không có cơ sở.
Hơn thế, cũng chẳng có ai “dọa” mà chế mìn bằng thuốc nổ trộn lẫn với bi, sắt thép… Giải thích nghi vấn của điều tra viên, Trường tiếp tục rỉ rả rằng do thuốc nổ còn sót lại từ trước khi vào tù nên hắn cho vào thùng có bi, sắt thép từ trước rồi cứ thế gói lại cho vào bịch chứ “không để ý”. Hỏi về kíp nổ và thuốc nổ từ đâu thì nghi phạm cho rằng chỉ cần gói thuốc nổ vào bịch, cho vào cánh cửa rồi nhờ quá trình mở cửa gây ma sát là mìn có thể phát nổ.
Với tên tội phạm ngoan cố, lý sự cùn như vậy, điều tra viên “lật ngửa ván bài”: “Nếu anh chế mìn được như những lời anh khai thì mời thực nghiệm điều tra”. Biết những lời gian dối của mình không qua mặt được cơ quan điều tra thì Trường loanh quanh đổi lời khai, cho rằng thuốc pháo lấy được từ quả pháo nhặt được, kíp điện thì mua của một người nhưng đã lâu nên không còn nhớ tên và thời gian mua.
Trao đổi với Pháp luật & Thời đại, đồng chí Mai Ngọc Lượng, Đội trưởng đội điều tra tội phạm PC45 cho biết đây là đối tượng rất ngoan cố, mặc dù có khai nhận nhưng hỏi gì nói đó và nhiều lời khai chưa thật sự chính xác. Nguyên nhân vụ án có thể do mâu thuẫn từ tranh chấp đất đai giữa vợ chồng, Trường đã sát hại vợ bởi hắn nghĩ chỉ cần sát hại bà thì toàn bộ tài sản đương nhiên sẽ do hắn sở hữu và toàn quyền sử dụng.
Điều tra viên lượng chia sẻ thêm: “Đây cũng là bài học cho nhiều người về cách đối xử với nhau trong gia đình, làm sao để người thân sau khi mang án trở về với cuộc sống gia đình không “nổi loạn” bởi mặc cảm, bởi cảm giác bị bỏ rơi thành “người thừa” trong chính gia đình mình”.
* Nạn nhân may mắn thoát chết: Tại bệnh viện đa khoa Long Khánh, bác sĩ điều trị cho nạn nhân Huế cho biết nạn nhân nhập viện với tình trạng thương tích khá nặng: Hai cánh tay dập nát nhiều vết thương lớn nhỏ nham nhở, cháy sạm đen do hỏa khí. Sau khi chiếu chụp bác sĩ xác định có hai viên bi (những viên bi này được trộn vào chất nổ để tăng độ sát thương, do khi nổ chúng sẽ găm vào người nạn nhân - PV) đã găm vào trong cẳng tay trái của nạn nhân. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy ra hai viên bi kim loại đường kính 0,3 cm. Hiện bệnh nhân đang hồi phục. May mắn cho nạn nhân là khóa cửa ở vị trí thấp, ngang tầm ngực và tay nạn nhân nên khi mở cửa đã hơi cúi người xuống và tránh được nhiều thương tích do quả mìn gây ra. * Nỗi đau “nồi da xáo thịt” Người con gái của nạn nhân cho biết: “Chuyện gia đình rất buồn, kẻ lập mưu giết mẹ mình lại là ba nên ai đúng ai sai đâu quan trọng khi nạn nhân là mẹ, hung thủ là ba”. Chị Hà từ chối khi nói về mối quan hệ của cha mẹ mình: “Ba mẹ tôi vẫn sống với nhau, thỉnh thoảng vẫn thấy có lúc ba ở nhà, có lúc ba đi rừng, còn vì sao nguyên nhân thế nào của vụ việc này tôi không được rõ”. Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi lại ngược lên bệnh viện Long Khánh. Tại khoa Ngoại, trong khu vực điều trị bệnh nhân bỏng chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Huế cùng con trai thứ hai của bà. Bà Huế đã qua cơn nguy kịch nhưng cả bà và con trai đều từ chối nói về chuyện gia đình. Nạn nhân nghẹn ngào: ““Xấu chàng hổ ai”, nỗi buồn này gia đình muốn giấu kín. Những vết thương không đau bằng nỗi đau tinh thần khi người thân của mình âm mưu giết vợ”. Con trai thứ của nạn nhân buồn rầu: “Mâu thuẫn của bố mẹ, phận làm con chúng tôi không dám bàn, xảy ra chuyện như vậy là bất hạnh của gia đình”. |
Bảo Hằng – Giang Hà