Đề nghị không quy định 16 thủ tục, sửa đổi 452 thủ tục
Theo đó, Bộ Tư pháp đã ban hành 11 Quyết định công bố TTHC, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết xong 96 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Về thực hiện chuẩn hóa Danh mục thành phần hồ sơ, Danh mục kết quả trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ gắn kết quả giải quyết với TTHC đạt 100%.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 687 TTHC tại 76 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (17 luật, 48 nghị định, 09 quyết định, 02 thông tư) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trong đó, Bộ đã đề nghị không quy định 16 thủ tục, đề nghị sửa đổi 452 thủ tục (chiếm tỷ lệ 69% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 32 thủ tục.
Công tác thẩm định quy định TTHC tại Bộ Tư pháp tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản pháp luật về kiểm soát TTHC. Ý kiến thẩm định TTHC về cơ bản đã được các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu tại cuộc họp thẩm định và làm cơ sở để hoàn thiện quy định TTHC trong đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản.
Thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) hoàn thiện Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đã có Tờ trình trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa: 50/206 quy định. Tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa là gần 96 tỷ đồng/ gần 327 tỷ, đạt tỉ lệ hơn 29% trên tổng số chi phí tuân thủ các quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tư pháp đã kết nối 08 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ công. Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 2523/QĐ-BTP công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần của Bộ Tư pháp, theo đó đến nay Bộ Tư pháp có 24 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 34 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, quán triệt việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dịch vụ công trực tuyến nhằm đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, tiến hành rà soát, đánh giá thường xuyên quy định TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình TTHC, tăng cường triển khai, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ thông tin nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, nhất là chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xử lý, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính. Thực hiện hiệu quả việc rà soát thủ tục hành chính nội bộ; Tổ chức thực thi hiệu quả phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.