Theo đánh giá của Bộ trưởng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu về xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn những trường mầm non, đặc biệt mầm non tư thục hoạt động chưa tốt. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thành lập nơi giữ nhóm trẻ tư thục, điều kiện chất lượng giáo viên chưa được tuyển chọn kỹ lưỡng. Có những cô có phản ứng đáng phê phán, thậm chí là vô nhân tính.
“Tôi rất bức xúc với hành động của cô giáo bạo hành trẻ mầm non ở Đà Nẵng. Các cơ sở xảy ra hành vi như vậy dứt khoát phải đình chỉ hoạt động. Các cô, thầy mà có hành động bạo hành trẻ như cô giáo ở Đà Nẵng nhất định phải cho ra khỏi nghề. Hành động đó không chỉ là không sư phạm, thậm chí ở đây là vô nhân tính. Bản thân tôi nhìn các hình ảnh đó, tôi cũng rất bức xúc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói và cho biết đã chỉ đạo ngay cơ sở này phải dừng hoạt động và cho cô giáo ra khỏi ngành không có xem xét”.
Theo Bộ trưởng giáo dục, trách nhiệm để xảy ra các vụ bạo hành trước hết ở các địa phương. Cụ thể là xã, phường cấp phép cho cơ sở mầm non tư thục hoạt động. Đặc biệt là giám sát về điều kiện giáo viên không chuẩn, sau đó đến cấp quản lý tiếp theo.
Để xử lý dứt điểm các vi phạm tại các cơ sở mầm non, nhóm tư thục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quan trọng là tổ chức thực hiện ở cơ sở, trong đó việc tuyển chọn giáo viên đóng vai trò nòng cốt. Giáo dục mầm non vất vả, căng thẳng. Một cô có khi phụ trách 30 – 40 cháu, mỗi trẻ một tính. Vấn đề này chia sẻ được nhưng phải có giới hạn. Đã là cô giáo thì phải đúng nghĩa là cô giáo.
Liên quan tới cấp phép trường, Bộ trưởng Nhạ cho biết, cơ sở mầm non, nhóm tư thục có thể do xã phường cấp phép nên khâu thanh kiểm tra phải rất sát sao. Một số nhóm trẻ tư thục rắt ẩu, thấy nhu cầu cấp bách là lập nhóm trẻ.
Bên cạnh giải pháp căn cơ từ thầy cô giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng lưu ý, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện cho giáo viên vì bản thân làm việc trong môi trường căng thẳng và vất vả. Các cấp, ngành, phụ huynh đều phải có trách nhiệm liên quan.
Bộ GD-ĐT đang rà soát tiêu chuẩn giáo viên, đặc biệt là tiêu chuẩn hiệu trưởng. Trong đó, hiệu trưởng không chỉ chỉ đạo tổ chức mà phải quan tâm tới đời sống của giáo viên.
Trước đó, ngày 21/5, trên trang mạng xã hội lan truyền clip quay lại cảnh hai bảo mẫu ở tuổi trung niên đang cho các trẻ ăn cháo. Lúc này, một bảo mẫu cho một bé trai khoảng 2 tuổi ăn cháo trong tư thế bé này nằm dưới sàn và không được mặc áo.
Bảo mẫu này liên tục đút cháo vào miệng mặc cho bé trai. Vừa đút bảo mẫu này vừa nói: "Mi ọe cái nữa tau và thêm tô nữa".Trong lúc bảo mẫu này đút cháo, bé trai lắc đầu qua lại thì bị bà này ném áo lên mặt và dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé. Cơ quan chức năng vào cuộc xác định vụ việc xảy ra tại Đà Nẵng.