Chất vấn về công tác quản lý giá, mua sắm công
Nội dung chất vấn là về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thao túng chứng khoán rất tinh vi
Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về “Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc…”.
Theo báo cáo, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%.
Tính đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỉ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 637.000 tỉ đồng).
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian qua, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua TPDN riêng lẻ.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh…
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện khung pháp lý. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Uỷ ban Chứng khoán, nhất là giám sát tuyến đầu của các Sở Giao dịch chứng khóan đối với giao dịch bất thường, vi phạm trên thị trường.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.
Về tình hình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ trưởng Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, ghi nhận 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng, trong đó có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong giai đoạn này, cả nước có 53 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được chuyển thành công ty cổ phần (CTCP). Tỷ lệ hoàn thành chuyển đổi so với số lượng đơn vị thuộc Danh mục chuyển đổi đạt hơn 20% so với Danh mục.
Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 5 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Về tình hình thực hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, tổng giá trị thoái là 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng.