Đã ba tháng “ở yên” trong nhà, chị Lê Thị Như Hoa (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM) dường như đã quên việc mình từng có một thời thích mua sắm đến như thế. Làm trưởng phòng nhân sự cho một công ty nước ngoài, chồng lại là kĩ sư xây dựng lương cao, sống trong căn hộ cao cấp, chị Hoa dường như chẳng phải bận tâm gì nhiều về tiền bạc. Thú vui của chị ngoài việc chăm lo vun vén gia đình chính là mua sắm.
Những ngày đầu giãn cách, chị vẫn liên tục lên mạng đặt hàng “xả stress” cho đến khi thành phố ngưng hẳn cho mua bán các mặt hàng không thiết yếu. Ban đầu, chị bứt rứt, khó chịu, đi ra đi vào rồi lên mạng nghiền ngẫm, bỏ vào giỏ hàng những thứ mình thích, chờ ngày hết dịch sẽ mang về nhà.
Rồi thời gian qua, những thông tin về dịch bệnh khiến chị lo lắng, quay vào tập trung chăm sóc sức khoẻ gia đình. Hàng xóm trở thành F0, F1, chị vứt bỏ hẳn mối bận tâm về mua sắm để tìm hiểu, trang bị kiến thức phòng dịch “tấn công” vào gia đình nhỏ.
Rồi chị học cách nấu những món ăn ngon để gia đình khuây khoả, chơi với con, rồi “săn” từng bó rau, miếng thịt trên mạng... Chị bắt đầu chấp nhận và hài lòng với những gì mình đang có.
Dần dà, chị nhận ra, tủ đồ của mình đã quá chật chội. Những thứ trang phục chị bỏ quên chưa dùng đến rất nhiều. Chị có hàng chục cây son, mà son phấn thì có ích gì trong thời buổi này. Chị nhìn quanh và nhận ra, mỗi một món đồ xa xỉ bị lãng quên, có thể giúp được biết bao nhiêu người khó khăn chung quanh có thể đủ ăn trong cả tuần, cả tháng.
Ngày dịch, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ về việc thay đổi thói quen sống trong gia đình. Trong đó, nhiều người đã tự hào khoe “cai” được tật mua sắm vô tội vạ.
Chị Lệ Quyên, ngụ Phan Xích Long, Phú Nhuận chia sẻ: “Ngày trước, hai vợ chồng vẫn thường than thở thu nhập hai vợ chồng cộng lại một tháng hơn 40 triệu nhưng chỉ “vừa đủ sống” ở đất Sài Gòn này. Chỉ riêng việc chi dùng thiết yếu trong nhà đã chiếm hơn nửa thu nhập mỗi tháng. Còn nuôi con, việc học hành cho con, rồi dành dụm... quả thật là áp lực.
Nhưng sau một đợt giãn cách, phát hiện, hoá ra 7 triệu một tháng cũng đủ ăn uống, tiêu dùng, điện nước trong nhà. Mà không phải là tiết kiệm quá đâu. Vẫn có sữa cho con, vẫn ngày 3 bữa ăn ngon lành đầy đủ chất. Ngày nóng, máy lạnh vẫn chạy phà phà.
Hoá ra, “nhu cầu thiết yếu” ngày trước lại bao gồm rất nhiều thứ không thiết yếu. Đó là những ngày lười nấu ăn nên đặt thức ăn trên mạng một cách vô tội vạ. Tủ lạnh lúc nào cũng ngập thức ăn, đến khi dọn tủ phát hiện nhiều món đã hư, đã quá hạn. Đó là những món đồ thấy trên mạng quảng cáo “hay hay”, mua về rồi không sử dụng được...
Với anh, những bữa nhậu tiền triệu hàng tuần trước đây nhưng bây giờ anh mới thú nhận là tốn tiền và vô bổ. Có quá nhiều thứ bị lãng phí mà khi ở nhà do dịch mới nhìn nhận được. Có những điều, đến khi gặp biến cố rồi người ta mới có thể nhận ra. Ngày giãn cách do dịch bệnh, rất nhiều thói quen cũ đã mất đi, nhiều nhận thức mới về cuộc sống đã được thiết lập. Sau dịch, sẽ có những gia đình có một lối sống khác. Giản dị, ít mong cầu nhưng hợp lý và hạnh phúc hơn.