Phấn đấu mỗi xã biên giới có 1 mô hình sinh kế bền vững
Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2021 - 2025 do Hội LHPN tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai tổ chức, sau 3 năm thực hiện, Chương trình đã huy động được gần 4 tỷ đồng từ các tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm để giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ nghèo trên khu vực biên giới tỉnh Lào Cai.
Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với lực lượng biên phòng triển khai hiệu quả các chương trình, mô hình giúp phụ nữ biên cương phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống như: Mô hình chăn nuôi dê, bò, lợn, gà, ngựa qua việc cung cấp con giống trong chăn nuôi, tạo sinh kế; Mô hình Xây dựng: “Nhà mái ấm tình thương” cho hội viên phụ nữ nghèo; Mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” được tổ chức làm điểm tại xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin (huyện Mường Khương); Mô hình “5 không, 5 có, 3 sáng” giúp đỡ hội viên phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; Mô hình văn nghệ, thể thao; Mô hình tín dụng, tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Hội LHPN các huyện, các xã, phường, thị trấn biên giới còn phối hợp với các Đồn Biên phòng (ĐBP) vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm làm nhà văn hóa, làm đường giao thông, tặng quà cho các hộ nghèo, các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những Chương trình và mô hình phối hợp đã gắn kết song hành với các chương trình và Mô hình của BĐBP như: BĐBP chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói giảm nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau; Mô hình “Thắp sáng vùng biên và cột cờ biên giới”; Mô hình “con nuôi ĐBP” và chương trình “Nâng bước em tới trường”, Dự án “Quân đội nâng bước em đến trường” và nhiều mô hình khác. Thông qua các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ở các chi hội phụ nữ cơ sở và các ĐBP.
ĐBP Tả Gia Khâu là một trong những Đồn đầu tiên của Lào Cai nhận nuôi con nuôi tại Đồn. Mô hình “Con nuôi ĐBP” của Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai bắt nguồn từ Chương trình “Nâng bước em tới trường” ra đời vào năm 2016, nay được Bộ Tư lệnh BĐBP hiện thực hoá thành Mô hình ý nghĩa “Con nuôi ĐBP”. Hai cháu bé đầu tiên được nuôi tại đồn là hai anh em ruột Ma Seo Khoa (9 tuổi) và Ma Seo Xuyên (8 tuổi), người Mông ở xã Dìn Chin có bố mất sớm, mẹ nghèo không nuôi nổi 4 con. Mục đích của mô hình là giúp đỡ các cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha, mồ côi mẹ, không nơi nương tựa tại khu vực biên giới có nơi ăn, ở, được quản lý, giáo dục, học tập và rèn luyện tại ĐBP. Hiện nay, có 16 cháu được nuôi tại các đồn biên phòng trong tỉnh.
Tại Hội nghị các ý kiến tham luận đã đưa ra một số nội dung, giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, kết hợp nguồn lực đầu tư cho các xã biên giới trong chương trình. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất mỗi xã biên giới có 1 mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, nguồn xã hội hóa; duy trì mỗi xã biên giới duy trì và xây dựng 1 mô hình tín dụng, tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS); 100% xã trong chương trình được trang bị máy vi tính và sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh phục vụ công việc, sinh hoạt, có tủ sách, báo phụ nữ. Đồng thời khuyến khích tiếp tục triển khai hiệu quả mỗi xã có ít nhất 1 mô hình văn nghệ, thể thao của phụ nữ; và mỗi xã giúp ít nhất 3 gia đình đạt tiêu chí “5 không, 5 có và 3 sạch” hàng năm, bảo đảm các chỉ tiêu của giai đoạn.
Dấu ấn mô hình điểm nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Mô hình “BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được ra mắt tháng 10/2022 thực hiện đến tháng 8/2023 tại hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Đây là mô hình điểm đầu tiên của BĐBP cả nước được triển khai thực hiện tại ĐBP Tả Gia Khâu.
Trung tá Nguyễn Duy Cường, Chính trị viên ĐBP Tả Gia Khâu cho biết, qua khảo sát trước khi ra mắt mô hình được thành lập đi vào hoạt động từ năm 2021 trở về trước hằng năm trên địa bàn đơn vị quản lý xảy ra từ 7 đến 10 cặp có dấu hiệu tảo hôn. Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết, đó là do xuất phát từ suy nghĩ, thói quen của đồng bào DTTS. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt. Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các DTTS chưa cao. Điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết và chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế.
Đồn Biên phòng Pha Long trao lợn giống cho bà con. (Ảnh: Lam Hạnh) |
Ngoài ra, đối với một số gia đình, dù không muốn con mình đang ở độ tuổi học sinh mà đã sớm phải lo chuyện gia đình, nhưng vì con đã lỡ mang thai nên không còn cách nào khác là buộc phải tổ chức đám cưới, sinh con xong khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn; từ thực trạng trên hệ luỵ của việc tảo hôn dẫn đến đời sống của nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều cháu bé sinh ra đời do thiếu kiến thức nuôi dưỡng, dẫn đến chậm phát triển, có nhiều cháu đến tuổi đi học không có giấy khai sinh, dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, và giáo dục của địa phương.
Trước thực trạng nạn tảo hôn có xu hướng ngày một gia tăng, mô hình điểm đã đề ra mục tiêu phấn đấu giảm từ 70-80% hàng năm số người tảo hôn và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2025, căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đơn vị quản lý
Để thực hiện được mục tiêu đó, ĐBP Tả Gia Khâu đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu tổ chức 4 đợt tại 17 thôn với 68 buổi được 488 người tham gia tuyên truyền; tuyên truyền bằng loa kéo Biên phòng; hệ thống loa truyền thanh của địa phương bằng tiếng phổ thông và tiếng địa phương, đồng thời cơ động đến các thôn bản, tuyên truyền tại chợ phiên được 36 buổi/144 lượt người tham gia/16.865 lượt người nghe.
Nội dung tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn xã các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, các quy định của Pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;
Cùng với đó, Đồn phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương phân công 72 lượt cán bộ đến các nhà trường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình cho các thầy cô giáo và các em học sinh độ tuổi 13 đến 15 tuổi có 3.244 lượt em học sinh được nghe nội dung tuyên truyền. Đồn tổ chức cho 1.170 hộ gia đình tự nguyện cam kết về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Tuyên truyền vận động cho già làng, trưởng dòng phát huy tốt vai trò là người có tiếng nói trong dòng họ ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
“Đảng uỷ, Ban chỉ huy Đồn đã phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy chính quyền địa phương 2 xã, đặc biệt là Ban chỉ đạo của 2 xã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được triển khai thường xuyên gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Đơn vị đã tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với thực tế của địa phương, từng đối tượng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về hệ lụy xấu của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, Trung tá Cường nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết, sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình điểm “BĐBP Lào Cai đồng hành cùng thôn, bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Ban chỉ đạo, Tổ tư vấn đã phát huy vai trò, trách nhiệm và nhận được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đơn vị quản lý.
Đặc biệt, các cháu thanh, thiếu niên và cha mẹ của các cháu đã nhận thức rõ các hệ luỵ của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, đã giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn và mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng ở các địa phương vùng biên giới Lào Cai trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tả Gia Khâu Hoàng Thị Liên cho biết, trong tháng 2 năm 2023 trên địa bàn 2 xã có 5 cặp có dấu hiệu tảo hôn; ĐBP Tả Gia Khâu đã tham mưu, phối hợp cho UBND 2 xã, các ban ngành đoàn thể đến tại gia đình để tuyên truyền vận động, ngăn chặn, sau buổi tuyên truyền các cháu có dấu hiệu tảo hôn đều trở về gia đình, tiếp tục học tập đợi đến khi đủ tuổi theo luật định thì đăng ký kết hôn theo quy định.