Tòa án Nhân dân huyện Ý Yên. |
Chủ mưu án treo, bị lôi kéo án giam
Ngày 29/9, TAND huyện Ý Yên, Nam Định, xét xử vụ án đánh bạc xảy ra ngày 8/6/2011 tại thị trấn Lâm. Mặc dù 5 trong số 6 bị cáo được hưởng án treo nhưng kết quả phiên xử đã khiến các gia đình bị cáo phản ứng và tố cáo việc xét xử thiếu công tâm của Tòa.
Theo cáo trạng, các bị cáo là Vũ Đình Trung, Dương Bá Dương, Phạm Văn Thắng rủ Trần Công Doanh đi đánh bạc. Doanh đồng ý và hẹn Thắng đến nhà anh Phạm Văn Quang ở khu C, thị trấn Lâm. Khoảng 10 phút sau Phạm Văn Phúc đến, Doanh, Trung, Thắng, Phúc bắt đầu chơi đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa ăn tiền. Sau đó còn có Phạm Văn Sơn, Phạm Văn Phòng, Phạm Văn Hiệp đến tham gia.
Hơn 15h, khi các con bạc đang say sưa trên chiếu bạc thì Công an huyện Ý Yên phát hiện, bắt quả tang, thu giữ 3.300.000 đồng và 1 bát, 1 đĩa sứ và 4 quân bài hình tròn.
Không thành khẩn hay thiếu “bôi trơn”?
Hành vi phạm tội và tội danh của các bị cáo đã rõ nên trước tòa các bị cáo này đều thành khẩn khai nhận. Vì thế, 5 trong số 6 bị cáo đã được Tòa xử 6 tháng tù cho hưởng án treo. Riêng bị cáo Doanh chịu mức 6 tháng tù giam khiến gia đình bị cáo này phản ứng gay gắt và “tố” thẩm phán chủ tọa phiên tòa Bùi Thị Ngọc Bích không khách quan trong khi xét xử vụ án này.
Trong vụ án, Trần Công Doanh chỉ tham gia với vai trò bị rủ rê, không phải là người khởi xướng hay tổ chức đánh bạc nhưng tại sao lại bị xử nặng nhất còn đối tượng cầm cái, đứng ra tổ chức đánh bạc, thậm chí trước đó đã bị xử phạt về hành vi đánh bạc lại được Tòa “ưu ái” cho hưởng án treo? Ông Trần Công Lập và bà Trương Thị Ngọc bố mẹ của Doanh đã có đơn gửi đi nhiều nơi cho rằng mức án như vậy không khách quan, có dấu hiệu “chạy án”.
Tiếp xúc với PLVN, ông Lập bức xúc: “Doanh đánh bạc thì phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng tại sao chỉ một mình con tôi phải chịu tù giam? Phải chăng vì chúng tôi không có tiền “nộp” theo gợi ý của thẩm phán nên bị xử nặng?”
Ông Lập cho biết, trước phiên sơ thẩm, ngày 20/09/2011, vợ chồng ông cùng với một số người có người thân bị “dính” án đến nhà riêng của thẩm phán Bùi Thị Ngọc Bích ở Yên Tiến, Ý Yên đặt vấn đề được xem xét giảm nhẹ tội cho các cháu với mức “cảm ơn” mỗi bị cáo là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Bích cho biết như thế thì không thể lo được vì bà chỉ là chủ tọa phiên tòa và còn phải lo bên trên nữa. Cũng theo ông Lập, đến gần ngày vụ án được đưa ra xét xử, bà Bích nhờ người bắn tin cho gia đình ông là phải có 10.000.000đ nếu không 8.000.000đ cũng được, miễn là trước ngày phiên tòa diễn ra. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình ông Lập không đáp ứng được.
Trao đổi với PLVN về thông tin trên Chánh án TAND huyện Ý Yên Nguyễn Văn Hiển cho biết, sau khi tuyên án đã có những ý kiến không đồng tình và phản ứng. Ông đã mời bà Bích lên báo cáo thì thẩm phán này cho biết, lý do bị cáo Doanh bị kết án 6 tháng tù giam là vì không thành khẩn khai báo, nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ…Vụ việc trên ông sẽ kiểm tra lại. Khi phóng viên đề nghị được gặp làm việc với bà Bích, thì ông Hiển cho biết “thẩm phán Bích hôm nay đi vắng”.
Chúng tôi không khẳng định việc bà Bích có gợi ý “bôi trơn” và liệu có mối quan hệ nào giữa việc không “bôi trơn” với với kết quả bản án sơ thẩm hay không?, nhưng trước bức xúc nhiều nghi vấn của dư luận địa phương đề nghị lãnh đạo TAND tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm để đảm bảo tính khách quan, sự nghiêm minh của pháp luật.
Báo động đạo đức quan tòa Không chỉ các vụ án dân sự bị nghi là tiêu cực sau các bản án xử “kiểu nào cũng được”, giờ đây là những nghi án về giá cả của án treo, chúng tôi có cuộc trao đổi với Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS Lạng Sơn về vấn đề này: Thưa Luật sư, việc bị cáo bị rủ rê thì bị xử tù giam còn những người đóng vai trò lớn hơn thì được hưởng án treo có phải là hiện tượng bình thường trong xét xử không?
- Nguyên tắc của luật hình sự là xử nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng người bị lôi kéo và có thái độ ăn năn. Khi quyết định hình phạt, Tòa phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi mà các bị cáo thực hiện, cùng với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà mỗi bị cáo được hưởng.
Nếu nói bị cáo Doanh không thành khẩn khai báo để xử phạt tù là cũng không đầy đủ, không công bằng. Vì về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà bị cáo này thực hiện không bằng các bị cáo được xử án treo. Việc xét xử như vậy khiến gia đình bị cáo và dư luận phản ứng là điều không khó hiểu. Ông đánh giá thế nào về những thông tin xung quanh việc các vụ án hình sự cũng có dấu hiệu “chạy” để được hưởng mức án nhẹ, án treo?
- Những thông tin trên xuất phát từ hiện tương có thật, chứ không phải là tin đồn. Có điều, không có bằng chứng cụ thể để xử lý những cá nhân vi phạm pháp luật. Do đó, nếu đòi hỏi chứng cứ để xử lý các vụ việc thẩm phán “mặc cả” gia đình bị cáo để xử án nhẹ, án treo là khó.
Với phản ứng vụ án có tiêu cực như phiên sơ thẩm này, theo tôi, để chứng minh tiêu cực, cần phải xem xét lại hồ sơ vụ án, xem việc xét xử và mức hình phạt đối với các bị cáo có thực sự tương xứng với tính chất, mức độ hành vi mà các bị cáo đã thực hiện hay không?. Làm rõ điều này sẽ phần nào chứng minh được những nghi án về việc quan tòa vòi vĩnh gia đình bị cáo và có cơ sở để xem xét, đánh giá đạo đức của người làm công tác xét xử.
Xuân Bính (thực hiện) |
Đặng Vũ – Trung Thứ