Hợp đồng vay vốn không có thời hạn thanh toán nợ, bên vay đang thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ và không có dấu hiệu bỏ trốn… Thế nhưng, người vay lại bị truy tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và dự kiến vụ án được xét xử ngày 26/10.
Có vay, có trả
Do có nhu cầu vốn để làm ăn, ngày 14/3/2008 vợ chồng bà Trương Thị Hồng và ông Hồ Ngọc Minh (trú tại số 65 đường Phan Bội Châu, Nha Trang), đã thế chấp căn nhà tại địa chỉ trên để vay 850 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Khánh Trang (trú 23C đường Phan Chu Trinh, Nha Trang) với lãi suất 4%/tháng.
Tại Điều 7 của Hợp đồng ghi rõ: “Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày kí cho đến khi bên B (bên vay) thanh toán cho bên A (bên cho vay) đầy đủ gốc lãi tiền mượn theo Hợp đồng”; đồng thời tại Điều 2 của Hợp đồng quy định: “Định kỳ hàng tháng, đúng ngày mượn tiền thì bên B phải thanh toán tiền lãi”. Như vậy, Hợp đồng vay tiền này không quy định thời hạn trả nợ gốc, mà chỉ quy định bên vay phải trả tiền lãi hàng tháng.
Tại kết luận điều tra, CQĐT Công an TP.Nha Trang xác định: “Đến ngày 6/6/2008, Hồng đem 550.000.000 đồng và tiền lãi tới trả nợ cho chị Trang và còn nợ lại 300.000.000 đồng…” Như vậy, sau khi vay 850 triệu đồng vào ngày 14/3/2008, gần 3 tháng sau vợ chồng bà Hồng, ông Minh đã trả được 550 triệu đồng, còn nợ lại 300 triệu đồng. Điều này chứng minh rằng bên vay đang thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ theo Hợp đồng. Cũng theo Kết luận điều tra, đến ngày 14/6/2008 bà Trang tiếp tục cho bà Hồng vay thêm 100 triệu đồng, cùng với số nợ cũ tổng cộng là 400 triệu đồng với lãi suất 6%/tháng.
Hình sự hóa giao dịch dân sự (!?)
Do khó khăn trong kinh doanh, nên từ tháng 3/2009, vợ chồng ông Minh, bà Hồng phải vào TP.HCM làm ăn để có tiền trả nợ theo Hợp đồng. Trước khi đi, gia đình bà Hồng đã báo cho bà Trang biết và tại TP HCM, gia đình bà Hồng có làm thủ tục đăng kí tạm trú tại Công an phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM.
Thế nhưng, đến cuối năm 2009, bà Trang đã tố cáo cho rằng bà Hồng chiếm đoạt 400 triệu đồng và trốn khỏi địa phương và Công an TP.Nha Trang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Hồng về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên bà Hồng được tại ngoại, còn ông Minh (chồng chị Hồng) là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Sau khi bị khởi tố, bà Hồng đã trả thêm 50 triệu đồng cho bà Trang; nâng tổng số hai lần trả nợ lên 600 triệu đồng.
Có thể thấy, việc vay mượn tiền là có thật và được hai bên tự nguyện giao kết bằng Hợp đồng theo Bộ luật Dân sự. Trong Hợp đồng không ghi rõ thời hạn bên vay phải thanh toán hết nợ gốc, mà chỉ yêu cầu trả lãi hàng tháng. Thực hiện điều này, sau 3 tháng kể từ ngày vay tiền, bà Hồng đã trả cho bà Trang 550 triệu đồng, đầu năm 2010 trả thêm 50 triệu đồng. Điều này cho thấy bà Hồng đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ theo hợp đồng. Việc di chuyển địa bàn làm ăn vào TP HCM là điều kiện khách quan và đã được bà Hồng báo cho bà Trang biết, chứ không phải bỏ trốn.
Vậy nhưng, CQĐT Công an TP.Nha Trang lại nhận định rằng: “Sau khi vay được tiền, vợ chồng Minh và Hồng bỏ trốn khỏi địa phương, chiếm đoạt toàn bộ số tiền vay mượn của chị Trang đến nay không trả…”. Điều này có dấu hiệu của việc hình sự hóa giao dịch dân sự.
Bởi vậy, dư luận cho rằng tại phiên sơ thẩm vào ngày 26/10 tới đây, TAND TP Nha Trang cần đánh giá chính xác các chứng cứ trong giao dịch dân sự này một cách đầy đủ và khác quan để làm rõ đây có đủ yếu tố để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tại sản” như nhận định của CQĐT và VKSND TP.Nha Trang hay không (?).
Hùng Lượng