Trong các phạm nhân đang tích cực cải tạo tại Trại giam Hồng Ca (Yên Bài), có một chàng trai trẻ tin rằng sau khi ra tù, cậu sẽ làm lại cuộc đời và có một tương lai tốt đẹp. Hy vọng rằng dịp Quốc khánh 2/9 tới đây, cậu sẽ nằm trong danh sách 132 người được hưởng niềm vui đặc xá.
Bi kịch trái cấm tuổi 13
Chúng tôi gặp Lê Quyền Thanh (17 tuổi, ở tổ 2A, thị trấn Phố Giàng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khi anh bạn trẻ này chuẩn bị đón thêm tuổi mới. Ánh mắt buồn, nhưng khuôn mặt Thanh vẫn ánh lên niềm vui vì trong đợt đặc xá này, rất có thể cậu sẽ được ra tù trước thời hạn.Thanh là phạm nhân trẻ nhất tại Trại giam Hồng Ca và cũng là phạm nhân trẻ nhất được đặc xá đợt này.
Nói về quãng thời gian gần hai năm cải tạo tại đây, Thanh bùi ngùi: “Cháu thấy thấm thía rồi. Thời gian qua cháu được biết thêm nhiều kiến thức mới, học thêm từ những anh chị cùng buồng nhiều kinh nghiệm để sau này có thêm vốn sống”.
Chịu án 5 năm tù và nhập trại Hồng Ca từ tháng 10/2009, Thanh kể lại câu chuyện năm nào của cậu với chất giọng trầm buồn và nặng trĩu: “Chuyện qua rồi chú ạ, nhưng như chỉ mới ngày hôm qua thôi nên cháu không thể nào quên được. Ngày ấy, cháu chỉ nghĩ đơn giản rằng hai đứa yêu nhau và cháu hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động của mình làm. Lúc học lớp tám, cháu có yêu một cô bé lớp bảy tên là Triệu Phương M học cùng trường. Thời gian rảnh hay tan học, đặc biệt là cuối tuần được nghỉ, hai đứa cháu thường rủ nhau đi chơi bằng xe đạp.
Ban đầu, cháu viết thư tỏ tình với M và được đồng ý, cứ tan học là hai đứa cháu lại dành thời gian cho nhau. Vào dịp trước Tết Nguyên Đán năm 2009 chừng gần 2 tháng, cháu và M rủ nhau đến bờ hồ gần trường chơi. Gửi xe xong, đi dạo được một lúc thì cả hai ngồi xuống thảm cỏ gần đấy, và cháu đòi M cho mình cái quý giá nhất của đời con gái”.
Thanh nhìn tôi, thở dài rồi nói tiếp: “Sau lần đó, M về kể lại với ông bà ngoại và mẹ của M. Cháu bị các chú công an triệu tập rồi bị kết án 5 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em” vì M lúc đó mới được 13 tuổi”.
Thanh tâm sự, cậu và M rất yêu nhau nhưng cậu không ngờ chuyện tình yêu của hai đứa lại không được xã hội cho phép. Đến nay, Thanh vẫn còn nhớ về cô bé năm nào dù đó chính là nguyên nhân khiến cậu vướng vào vòng lao lý.
“Thi thoảng cháu cũng hỏi một vài người bạn học cùng về tin tức của M nhưng không thấy. Chuyện cũ qua rồi, người cũng đã khác xưa. Ra tù cháu sẽ làm lại từ đầu” - Thanh đưa mắt nhìn ra xa.
Nụ cười của phạm nhân Lê Quyền Thanh
Lời tạm biệt khó quên
Khi phóng viên và cán bộ quản giáo nói với Thanh rằng, cuộc sống phía trước của cậu còn rất dài và còn nhiều điều để thực hiện, phạm nhân 17 tuổi này quả quyết: “Cháu đã được cán bộ ở đây dạy cho một vài nghề. Cháu sẽ tu dưỡng thêm để có tay nghề tốt, rồi có việc làm”. Câu nói ấy khiến tôi hiểu rằng, niềm hy vọng vào tương lai của chàng trai này thực sự vẫn còn rất lớn mặc dù sau đây khi ra tù, Thanh sẽ phải đối diện trở lại với gia cảnh rất bất hạnh của mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, Thanh lại là người con duy nhất. Suy nghĩ có phần lệch lạc khi cho rằng có thể kiếm được nhiều tiền hơn để trang trải cuộc sống gia đình và lo cho Thanh ăn học, mẹ Thanh đã nhắm mắt làm liều rồi đi buôn ma túy. Không lâu sau đó, tháng 11/2009 bà đã bị bắt và phải trả giá bằng hơn chục năm tại Trại giam Quyết Tiến. Nhà có ba người thì hai người mặc áo phạm nhân, một mình bố Thanh (60 tuổi) trơ trọi ở lại với căn bệnh viêm phổi hành hạ hàng ngày.
Thanh rớm nước mắt: “Cháu thương bố cháu lắm! Nhiều đêm khóc vì tủi thân và thấy mình bồng bột quá chú ạ. Từ ngày vào trại Hồng Ca, thi thoảng bố cũng xuống thăm và động viên cháu cải tạo tốt. Lần nào nhìn dáng bố cháu tiều tụy cháu cũng không cầm được nước mắt!”.
Thời gian nhàn rỗi ở trong trại giam, Thanh thích được đọc báo và cậu ít khi bỏ sót một chữ nào. Cậu bảo cậu thích đọc các báo pháp luật, thích đọc về các truyện trinh sát phá án. Không rõ thông tin từ đâu, cậu kể cho tôi khá nhiều chuyện liên quan đến việc một số phạm nhân trại Hồng Ca cố trốn trại nhưng đều bị bắt lại...
Trong đôi mắt tinh ranh nhưng ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm ấy, Thanh bảo: “Cháu thích được đi học lại. Dù biết rất khó nhưng cháu sẽ thử và nếu không thành công, cháu sẽ đi học nghề! Cháu muốn bố đỡ vất vả và hai bố con đùm bọc nhau, chờ ngày mẹ cháu về”.
Thanh cho biết, ước mơ về học hành của cậu được nhiều phạm nhân trong tù động viên. Họ bảo Thanh còn trẻ, làm lại từ đầu tuy không dễ nhưng cũng có những điều lợi thế, phải cố gắng và đừng bao giờ nản chí!
Tươi cười chỉnh lại bộ quần áo để phóng viên chụp ảnh, rồi Thanh bất ngờ hỏi: “Làm bác sĩ khó và lâu không chú? Cháu thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố và mọi người”. Tôi nắm tay phạm nhân trẻ tuổi: “Không khó, và chắc chắn cũng không dài đâu. Cố gắng lên chàng trai!”.
Nhìn cậu bé quay về trại, tôi thấy như vẫn còn bị ám ảnh bởi nụ cười rạng ngời và tươi vui ấy. Ngày về với bố, với xã hội và cộng đồng với Thanh không còn xa nữa, hãy nuôi dưỡng cho mình ước mơ và trở thành một công dân tốt! Tôi đã nói thế với Thanh và cậu bé gật đầu: “Chú cháu mình sẽ có ngày gặp lại. Và ngày ấy cháu không chỉ là một công dân tốt mà còn là một người thành đạt nữa!”.
Hẳn rồi, và chắc chắc không chỉ có mình tôi mong Thanh được như thế!
Ngọc Trìu