Vì trăm ngàn lý do khác nhau, không ít người dân trong nước đã đổ xô ra nước ngoài khám chữa bệnh (KCB), để rồi lại phải trở về nước trị bệnh trong tình trạng “ruột đau, gan buốt”...
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) |
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng gần 30.000 người ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên tới hàng tỷ USD. Trong số đó, có không ít người đã rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, phải quay về nước điều trị (ĐT). Trường hợp của chị Nguyễn Thị T (Hà Nội) là một minh chứng sinh động.
Theo lời kể của các bác sỹ (BS) chuyên khoa Bệnh viện (BV) Việt Đức, sau khi đi khám sản khoa, các BS trong nước phát hiện chị T bị rau thai cài răng lược nên đã chỉ định chị phải cắt bỏ tử cung. Nhưng, với hy vọng giữ tử cung, chị T đã tìm đến một BV chuyên về sản khoa ở Singapore để nhờ họ can thiệp. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ với các trang thiết bị tối tân và hiện đại nhất, các BS ở đây vẫn phải tiến hành cắt tử cung của chị. Tổng chi phí cho đợt ĐT này lên tới gần 100.000 USD Singapore (khoảng 1,3 tỷ đồng Việt Nam).
Không chỉ có vậy, sau ca mổ chị còn bị suy thận nên được chỉ định tiếp tục can thiệp niệu quản. Khi được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu, chị T được biết, chi phí cho ca phẫu thuật về nối niệu quản với bàng quang tới đây là 35.000 USD Singapore (tương đương khoảng 460 triệu đồng). Vừa đau đớn về thể xác, vừa xót tiền, chị đã quyết định về nước thực hiện phẫu thuật này. Và, tại BV Việt Đức, chị đã được nối thành công niệu quản với bàng quang chỉ với chưa đầy chục triệu đồng.
Không tin tưởng vào khả năng KCB của BS “nội”, anh N.V.L (42 tuổi, ở Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ mới phát hiện khối u nhỏ ở gan, chưa rõ lành hay ác tính đã anh quyết định sang Singapore chữa trị. Sau khi được khám, chẩn đoán và xét nghiệm về sinh thiết gan, anh L được chỉ định đốt khối u ở gan bằng sóng cao tần.
Kết quả, anh bị thủng ruột già nên tiếp tục được mổ nối ruột trong cùng ngày. Sau khi cắt đại tràng và làm hậu môn nhân tạo cho anh L, dù sức khỏe bệnh nhân rất yếu, nhưng BV vẫn để anh xuất viện. Cuối cùng, anh đã phải “ngậm đắng nuốt cay” móc hầu hao tới trên 100.000 USD Singapore (tương đương gần 1,5 tỷ đồng) cho việc trị bệnh và ngậm ngùi bay về nước chữa bệnh...
BS các BV có tiếp nhận các bệnh nhân (BN) từ nước ngoài về trị bệnh cho biết, đa số các BN trở về từ Singapore. Một số khác thì sang các nước cùng khu vực khác chữa bệnh (Thái Lan, Trung Quốc…). Không ít gia đình trong số đó, sau khi ĐT ở nước ngoài, kinh tế bị suy sụp nên phải về nước ĐT theo chế độ BHYT.
Điển hình là trường hợp gia đình chị Hải Y. (Kiến An, Hải Phòng). Theo chị Y. cho biết, con chị bị rối loạn tủy đã gần một năm nay. Nghe người ta mách bảo, muốn cho con được ĐT một cách tốt nhất, vợ chồng chị quyết định đưa cháu sang nước ngoài chữa bệnh. Gom góp hết số tiền tiết kiệm vẫn chưa đủ, chị đã phải cắm cả sổ đỏ ngôi nhà 3 tầng ở mặt phố để chữa bệnh cho cậu quý tử.
Chỉ sau 2 tháng ĐT ở Singapore, chị đã tiêu tốn gần hết số tiền ấy. Phần vì bệnh tình của cháu không thuyên giảm, phần vì điều kiện không cho phép, chị Y. đành đưa con về ĐT tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Vì sao “sính ngoại”?
Đề cập đến vấn đề ra nước ngoài chữa bệnh, TS.BS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc BV K đánh giá, ngành y tế trong nước hiện đã làm chủ được hầu hết các lĩnh vực ĐT, từ ghép gan, ghép thận, ghép tim, phẫu thuật nội soi và chẩn đoán... Nhiều kỹ thuật được bạn bè thế giới nhìn nhận, nhiều BV trong khu vực đã gửi BS sang tập huấn, học hỏi tại Việt Nam. Giá cả các dịch vụ y tế ở Việt Nam cũng rất rẻ, trong khi ở nước ngoài thì chi phí ĐT cho một BN (ung thư, ghép tạng...) có thể lên tới hàng tỉ đồng.
TS Thuấn so sánh, nếu như ĐT cho một ca ung thư giai đoạn sớm (ung thư cổ tử cung), giá ở Việt Nam có thể chỉ mất 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, trong khi ở nước ngoài có thể gấp 100 lần. Hầu hết BN ra nước ngoài điều trị ung thư, kinh phí lên tới tiền tỷ.
“Tuy nhiên, điều mà chúng ta chưa làm được là cơ sở vật chất, môi trường BV cũng như cách tiếp đón BN chuyên nghiệp”, BS.Thuấn khẳng định. Cụ thể, theo BS Thuấn, dù chúng ta đã cập nhật trình độ ngang khu vực, nhưng về trang thiết bị hiện đại vẫn còn rất thiếu thốn; nhiều BV thì dịch vụ cho người bệnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp với BN của BS “nội” rất kém, thậm chí ở những khoa, phòng có áp lực công việc, nhiều nhân viên y tế còn cáu gắt với BN, người nhà BN. “Đây chinh là điều khiến BN phiền lòng nhất”, BS Thuấn nhấn mạnh.
Đứng về phía BN, bà Nguyễn Thu Thủy (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, bà sợ nhất là cảnh chen lấn, xô đẩy để xếp hàng vào KCB ở BV. Vốn là người bị bệnh tim mạch và huyết áp cao nên bà không thể chịu được cảnh tượng này. Không chỉ thế, nhiều người còn bị kẻ gian tranh thủ lúc chen nhau vào khám bệnh đã nẫng mất hết cả tiền.
Vì vậy, việc những người có điều kiện muốn ra nước ngoài KCB để được đối xử tử tế và KCB nhanh chóng, thuận lợi là rất bình thường. Cùng chung quan điểm này, chị Hoàng L. (Hạ Long, Quảng Ninh) cũng phàn nàn: “BN ung thư thường có tâm lý rất nặng nề. Đến BV thì đông đúc, chật chội, chen nhau chờ đợi, xếp hàng, khi ĐT thì nằm ghép 3, ghép 4 làm cho họ càng căng thẳng hơn. Nên những gia đình có kinh tế thường ra nước ngoài ĐT, dẫu biết kinh phí gấp hàng chục lần…”.
Làm gì để gìn giữ thương hiệu “nội”?
Nhìn vào cơ sở vật chất, hạ tầng và thực tế tình hình KCB của các BV trong nước và so sánh với điều kiện KCB ở các nước khác, BN muốn ra nước ngoài chữa bệnh là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, muốn thu hút BN, theo ThS. Trần Đăng Khoa, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội, không chỉ chú trong nâng cao trình độ y bác sĩ, mà cần phải đầu tư đồng bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như xây dựng môi trường BV thân thiện, tư vấn, tiếp đón BN chu đáo….
Cùng với đó, vấn đề tư vấn, marketing cho thương hiệu ở các cơ sở ĐT ở Việt Nam cũng không kém phần quan trọng. ThS. Khoa cho rằng, khâu này ở nước ra vẫn rất yếu. Hầu như BN không nắm được thông tin chính thức nào từ BV nên mỗi khi có bệnh, họ không biết phải ĐT tại đâu.
Các BV thì không hề có bộ phận marketing hoạt động chuyên nghiệp để quảng bá hình ảnh và thông tin chi tiết đến BN cũng như giới thiệu các điều kiện KCB, trình độ khoa học kỹ thuật tối ưu của BV. Bởi, phần lớn các lãnh đạo các BV lớn trong nước đều có quan điểm: Không cần quảng cáo, giới thiệu về BV mình nhiều, vì không cần marketting, BV vẫn cứ nườm nượp người KCB, BS thì làm việc không ngơi nghỉ, lịch mổ kéo dài hàng tháng…
Thiết nghĩ, chỉ khi nào cách suy nghĩ trên không còn tồn tại trong đầu các nhà quản lý nữa thì dòng người đổ ra nước ngoài KCB mới có thể giảm bớt?.
Hùng Long