Đánh người khác gây thương tích nặng vì ghen tuông là phạm tội với động cơ đê hèn.
Hình minh họa |
Đánh ghen..
Trưa 28/8/2010, đang bán nước gần cổng Sở Y tế Lạng Sơn thì chị Nông Thị Lem bị chị Vũ Hồng Nguyên chửi mắng và túm tóc đánh đập, bẻ tay ra phía sau trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có ông Lê Khánh Dương (chồng chị Nguyên). Nguyên nhân của trận đòn này là do chị Nguyên nghi ngờ chị Lem vẫn có quan hệ “bồ bịch” với ông Dương.
Khi thấy ông Dương ngồi tại quán nước của chị Lem, cơn ghen nổi lên nên chị Nguyên đã trút giận lên chị Lem, khiến nạn nhân bị thương tật 25% sức khỏe với nhiều chấn thương vùng đùi, khớp vai phải; Đặc biệt là thương tích nặng, trật khớp vai phải hoàn toàn và bị biến chứng teo cơ làm hạn chế chức năng vận động cánh tay phải.
Chị Lem đã đề nghị CQĐT Công an TP Lạng Sơn khởi tố và xử lý hành vi gây thương tích của chị Nguyên. Tuy nhiên, ngày 30/6/2011, CQĐT trả lời hành vi của chị Nguyên không cấu thành tội phạm và quyết định không xử lý gì đối với hành vi gây thương tích của chị Nguyên.
Áp dụng nhầm điều luật?
Tiếp tục khiếu nại đến VKSND TP Lạng Sơn, yêu cầu khởi tố và xử lý đúng người đúng tội đối với hành vi của chị Nguyên, nhưng ngày 11/8/2010, chị Lem nhận được lời nói “không” của cơ quan này.
Tại Quyết định 710, VKSND TP Lạng Sơn giải thích việc bác đơn khiếu nại của chị Lem và giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CQĐT Công an TP Lạng Sơn là do chị Lem có… hành vi trái pháp luật rất nghiêm trọng, khiến chị Nguyên bị kích động mạnh về tinh thần dẫn đến việc gây thương tích. VKS cho rằng, nguyên nhân của sự việc là do chị Lem có quan hệ “trên mức bình thường” với ông Dương từ 6 năm trước và đã có lần xảy ra việc đánh ghen. Với sự việc trên, chị Lem đã vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình kéo dài đến khi xảy ra việc đánh người gây thương tích của chị Nguyên. Chính vi phạm này của chị Lem đã khiến chị Nguyên bị kích động kéo dài; khi thấy anh Dương ngồi ở quán nước của chị Lem nên chị Nguyên bị “kích động mạnh” vì cho rằng hai người vẫn có quan hệ “bồ bịch” nên đã đánh chị Lem.
Theo VKSND TP Lạng Sơn, đây là hành vi “gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, nên chỉ với 25% thương tích thì chưa đủ để khởi tố chị Nguyên về tội này.
Bị đánh ghen giữa phố, mang thương tật cả đời và nay chị Lem lại bị cho là nguyên nhân của sự việc nên không được xác định là “bị hại”. Quan điểm của CQĐT, VKSND TP Lạng Sơn có đúng pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng về vấn đề này:
Thưa Luật sư, tội gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được pháp luật quy định như thế nào?
- Tội này được quy định tại Điều 105, Bộ luật Hình sự: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó.
Theo quy định trên, nạn nhân phải là người có lỗi, bằng một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với người gây thương tích hoặc thân nhân của họ dẫn đến họ không thể kiềm chế và kiểm soát được lý chí nên đã có hành vi phạm tội với người đó. Sự không kiềm chế được này có 2 điều kiện quan trọng là “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và xảy ra ngay tại thời điểm mà người bị kích động có hành vi gây thương tích. Nếu, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra từ lâu rồi thì cũng không thể coi là nguyên nhân của sự “kích động mạnh”, vì trong thời gian dài, người ta kiểm soát được hành vi và có các lựa chọn giải quyết đúng pháp luật khác, thay vì đánh người gây thương tích.
Ông nghĩ thế nào về các quyết định của CQĐT, VKSND TP Lạng Sơn trong vụ việc này?
- Tôi cho rằng, nhận thức của hai cơ quan trên về vụ việc là chưa đúng. Thời điểm xảy ra hành vi gây thương tích không có hành vi “trái pháp luật nghiêm trọng” của người bị đánh. Vì thế, có thể nói việc đánh người lúc đó là không xuất phát từ lý do chính đáng là lỗi của nạn nhân, không phải là “bị kích động mạnh” theo điều luật trên.
Hơn nữa, đây là một vụ đánh ghen, trong đó yếu tố “tự kích động” của người có hành vi vi phạm là chủ yếu. Chị Nguyên thấy anh Dương ngồi trong quán nước của chị Lem nên ghen và cho rằng hai người còn “quan hệ” nên đánh chị Lem. Hành vi đánh người này xuất phát từ nhận thức của chị Nguyên, không xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm đó của chị Lem.
Theo ông, với hành vi đánh ghen gây thương tích như trên thì phạm tội nào theo quy định của pháp luật?
- Người gây thương tích cho người khác có thể được xem xét không xử lý hình sự hoặc xử lý hình sự ở mức nhẹ hơn nếu gây thương tích do phòng vệ chính đáng, gây thương tích do tinh thần bị kích động mạnh…với các điều kiện được quy định rất cụ thể.
Sự việc này không phải là các trường hợp trên nên phải xử lý về hành vi cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự. Yếu tố ghen tuông có thể bị xem xét tình tiết tăng nặng là “phạm tội với động cơ đề hèn”.
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh