Bé trai 1 ngày tuổi tử vong, sặc bột hay do vắc xin viêm gan B?

(PLO) - Chiều 25/10, Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo, thông tin về trường hợp trẻ sơ sinh một ngày tuổi tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh.

Nguyên nhân tử vong hiện đang chờ kết quả xét nghiệm của các mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân.

Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum cho biết: Theo thông tin người nhà, khoảng 3 giờ ngày 20/10, thai phụ Y Vi (23 tuổi, thôn Bung Kon, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) đến Trạm Y tế xã Đăk Blô để sinh. Đến 4 giờ 15 phút, chị Y Vi sinh bé trai cân nặng 3 kg.

Sau sinh khoảng 30 phút, cháu bé được tiêm một mũi thuốc. Đến khoảng 9 giờ, thấy cháu đói, bố có pha bột cho cháu ăn và cháu ăn được 1 thìa. Sau đó, khi thăm cháu, y sĩ Võ Xuân Tỵ thấy bột dính miệng và đã giải thích không được cho cháu ăn bột, đồng thời hướng dẫn tập cho cháu bú mẹ nhiều để tiết sữa. 

Lúc 10 giờ 50 phút, y sĩ Tỵ tư vấn cho bố mẹ và khám cho cháu để tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh cho cháu. Bố cháu thấy bé còn yếu nên không muốn tiêm cho cháu. Tuy nhiên, khi được y sĩ Tỵ tư vấn, giải thích, gia đình đã đồng ý để tiêm lúc 11 giờ 05 phút.

Sau tiêm cháu khóc dai dẳng, cán bộ y tế có khám, theo dõi nhiều lần, bố mẹ thay nhau ẵm, mẹ có cho bú nhưng bú được ít. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, bố mẹ thấy bé ngủ nên đặt xuống giường, có đắp chăn ủ ấm. Đến khoảng 14 giờ 50 phút, nhân viên y tế đến thăm khám lại, thấy cháu tím tái và đã ngừng thở, ngừng tim. Cán bộ y tế đã thực hiện các biện pháp cấp cứu nhưng không có kết quả. 

Thông tin từ cán bộ y tế và hồ sơ bệnh án cho biết: Lúc 4 giờ 15 phút, sản phụ Y Vi sinh được một bé trai nặng 3kg không dị tật bẩm sinh, khóc to, môi hồng, chỉ số Apgar bình thường. Đến 4 giờ 35 phút, cháu được tiêm một mũi vitamin K1. Sau khi tiêm, cháu được đưa về phòng cho mẹ. Đến 9 giờ 20 phút, y sĩ Võ Xuân Tỵ thăm cháu, thấy bột dính miệng trẻ, hỏi người nhà được biết là do mẹ chưa có sữa nên cho cháu ăn bột.

Lúc 11 giờ, y sĩ Tỵ thực hiện khám sáng lọc cho cháu, ghi nhận bé da hồng hào, bú ít, khóc to, đi cầu phân su, nhịp tim 140 lần/phút, nhịp thở 40 lần/phút, không số (nhiệt độ 37 độ C), không phát hiện các dấu hiệu của chống chỉ định và hoãn tiêm nên cháu được chỉ định tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh lúc 11 giờ 05 phút.

Sau tiêm, cháu được tiếp tục theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế, cháu có khóc từng tiếng, da niêm mạc hồng hào, không ghi nhận các dấu hiệu của sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Đến 14 giờ 50 phút, y sĩ Tỵ thăm khám đã phát hiện cháu đã tím tái, miệng dính bột, ngừng tim, ngừng thở. Thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực bằng khai thông đường thở, móc họng thấy có bột, tiếp tục ép tim 60 phút không hồi phục. Đến 15 giờ 30 phút, cháu bé tử vong.

Tại buổi họp báo, nguyên nhân tử vong do tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh đã được ngành Y tế tỉnh Kon Tum loại trừ. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Y tế, vắc xin viêm gan B sơ sinh do chương trình tiêm chủng mở rộng cấp. Lô vắc xin viêm gan B cấp cho Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei thuộc lô GB-060916E, hạn dùng đến tháng 8/2019. Nguồn gốc vắc xin rõ ràng, đã được kiểm định và được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. 

Việc bảo quản, vận chuyển vắc xin từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện đúng quy trình. Cùng buổi tiêm chủng ngày 20/10, tại Trạm Y tế xã Đăk Blô, một trẻ sơ sinh khác cũng được tiêm cùng loại vắc xin viêm gan B - lô GB-0600916E.

Hiện tại, sức khỏe của trẻ này bình thường, bú tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tính đến ngày 20/10, trên địa bàn huyện Đăk Glei đã sử dụng 242 liều vắc xin viêm gan B lô GB-060916E. Ngoài trường hợp trẻ tử vong có tên nêu trên, đến nay chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất thường khác.

Theo ông Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, nguyên nhân gây tử vong vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ, không thể loại trừ nguyên nhân trẻ tử vong do bị sặc bột sữa và phản ứng sau tiêm chủng do cơ địa không hợp. Bên cạnh đó, phương tiện máy móc ở Trạm Y tế cơ sở không đủ để phát hiện những sự bất thường ở đứa trẻ./.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.