Hà Nội: Biết ngột ngạt, nguy hiểm vẫn ở chung cư cũ xuống cấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều chung cư cũ (CCC) đã và đang xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn cho người dân sinh sống tại đây. Nguy hiểm cận kề là vậy nhưng nhiều người dân vẫn còn băn khoăn chưa muốn rời đi vì đơn giản là chế độ chính sách và “kế sinh nhai”.
Khu chung cư cũ Giảng Võ (Ba Ðình, Hà Nội) đã xuống cấp từ nhiều năm nay (Ảnh: Báo Nhân dân)
Khu chung cư cũ Giảng Võ (Ba Ðình, Hà Nội) đã xuống cấp từ nhiều năm nay (Ảnh: Báo Nhân dân)

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 1.500 CCC có quy mô từ hai đến năm tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Mật độ dân cư hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Hầu hết các khu CCC ở Hà Nội đều không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên dẫn đến hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, nguy hiểm an toàn kỹ thuật kết cấu công trình.

Mặc dù vậy, cho đến nay, Hà Nội mới chỉ cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư (hơn 1%); kiểm định được khoảng 400 CCC. Nguyên nhân của việc cải tạo CCC vẫn giẫm chân tại chỗ hàng chục năm qua chủ yếu do ba nhóm: người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa tìm được tiếng nói hài hòa, thống nhất.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các CCC trên địa bàn Hà Nội với nhiều đơn vị có tiềm lực kinh tế. Việc các doanh nghiệp đồng ý tham gia lập quy hoạch cải tạo CCC là tín hiệu đáng mừng, có thể tạo bước ngoặt, tuy nhiên theo các chuyên gia, cơ chế về cải tạo CCC đưa ra quá nhiều ràng buộc, dẫn đến không giải quyết được.

Đối với người dân chưa muốn di dời, do điều kiện sinh hoạt, kinh doanh, học hành, giao thông thuận tiện là những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân không muốn thay đổi. Mặt khác, nhiều người dân không đủ khả năng tài chính để chuyển đi nơi ở mới, hoặc muốn tiếp tục hưởng nguồn lợi từ chính khu nhà cũ.

Theo khảo sát của phóng viên tại 03 chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp độ D (nguy hiểm đặc biệt, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp các hộ dân) sắp được cải tạo là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh thì hầu hết các hộ dân của các khu tập thể đều không đồng thuận với chủ trương cải tạo hay xây mới vì họ cho rằng giá tiền đền bù quá rẻ, không thể bù lại được thu nhập hằng tháng từ việc cho thuê hoặc mưu sinh, kinh doanh mặt bằng hiện tại.

Tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng từ những năm 1975-1980. Toàn bộ hành lang từ tầng 1 đến 5 được gia cố tạm bằng những dầm thép suốt 10 năm nay. (Ảnh: VnExpress)

Tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng từ những năm 1975-1980. Toàn bộ hành lang từ tầng 1 đến 5 được gia cố tạm bằng những dầm thép suốt 10 năm nay. (Ảnh: VnExpress)

Vợ chồng ông Hoàng Đình Lợi (80 tuổi), đã gần 50 năm sống tại tầng 1 của khu tập thể Giảng Võ cho hay, nhà của ông bà rộng gần 15m2 mặc dù khá chật hẹp, ngột ngạt, chỉ đủ kê chiếc giường đơn và các vật dụng sinh hoạt tối giản nhưng căn nhà này đã gắn bó với ông bà từ lâu và có thu nhập ổn định vào việc bán trà đá. Bây giờ mà cải tạo, xây mới thì chắc chắn nguồn thu nhập này sẽ bị cắt đứt, lúc ấy, cuộc sống của hai ông bà tuổi cao, sức yếu sẽ vô cùng khó khăn.

Cũng ở Giảng Võ, anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Ở trong chung cư đang xuống cấp nguy hiểm như thế này, chúng tôi cũng rất bất an. Nhưng, do chưa rõ việc định giá nhà như thế nào, ai là chủ đầu tư, bao giờ mới xây, xây trong bao lâu, bao giờ được quay lại, nên chúng tôi chưa muốn đi. Ngoài ra, chúng tôi cần sự minh bạch về chính sách tạm cư sau di dời”.

Lo sợ nguy hiểm, nhiều hộ dân ở khu tập thể C8 Giảng Võ đã di dời, bỏ lại những căn hộ trống trơn, ẩm mốc. (Ảnh: VnExpress)

Lo sợ nguy hiểm, nhiều hộ dân ở khu tập thể C8 Giảng Võ đã di dời, bỏ lại những căn hộ trống trơn, ẩm mốc. (Ảnh: VnExpress)

Nói đến lý do chưa đồng thuận di dời, ông Vũ Văn Đức (Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình) cho biết, mong muốn của người dân là được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, thống nhất phương án bồi thường, tái định cư trước khi di dời. Đồng thời cũng phải được xác nhận cụ thể mốc thời gian có thể nhận nhà mới để người dân có thể quay lại sinh sống bình thường.

Biển báo nhà G6A Thành Công ở mức độ nguy hiểm cấp D.

Biển báo nhà G6A Thành Công ở mức độ nguy hiểm cấp D.

Bà T - một người dân ở Thành Công thì không chỉ lo lắng về vấn đề diện tích đền bù sau khi các tòa chung cư được xây dựng lại, mà bà còn băn khoăn về kế sinh nhai của gia đình. Bởi lẽ, gia đình bà đã mở hàng ăn kinh doanh cả chục năm nay và là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Nếu tòa chung cư được sửa chữa hoặc xây mới, cả gia đình sẽ mất kế sinh nhai.

“Không chỉ có gia đình tôi, nhiều hộ dân cũng đều tận dụng mặt bằng để kinh doanh và cho thuê. Đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với gia đình tôi. Nếu thành phố sửa chữa hoặc xây mới chung cư cũng nên tính toán tới lợi ích của chúng tôi và nhiều gia đình khác có chung cảnh ngộ”, bà T bày tỏ.

Nhiều hộ dân vẫn đang buôn bán, kinh doanh tại Khu tập thể Thành Công cũng chưa muốn rời đi vì "kế sinh nhai". (Ảnh: TTO)

Nhiều hộ dân vẫn đang buôn bán, kinh doanh tại Khu tập thể Thành Công cũng chưa muốn rời đi vì "kế sinh nhai". (Ảnh: TTO)

Hầu hết nhiều người dân ở phường Ngọc Khánh cũng biết rằng ở CCC, xuống cấp là nguy hiểm đặc biệt mỗi lần có bão hoặc mưa. Họ cũng chia sẻ rằng sẽ sẵn sàng di dời, nhưng cần làm việc với chủ đầu tư.

“Bên chủ đầu tư cần phải thống nhất với cư dân tạm rời đi bao nhiêu năm quay lại thì chúng tôi sẵn sàng di dời. Nếu không có thời hạn quay lại, chúng tôi sẽ không đi” – một người dân cho hay.

Phần lớn, các hộ dân không muốn chuyển đi do lo sợ sẽ phải ở khu tạm cư và chưa biết ngày về. Các hộ dân cho biết họ đồng thuận theo chủ trương của UBND thành phố khi chung cư đã ở tình trạng xuống cấp, nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải thông tin đầy đủ cho nhân dân thì các hộ gia đình mới yên tâm di dời khi được yêu cầu.

Nhiều người dân lo sợ lúc trời mưa gió sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. (Ảnh: TTO)

Nhiều người dân lo sợ lúc trời mưa gió sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. (Ảnh: TTO)

Chung cư Ngọc Khánh đã bị nghiêng ngả. (Ảnh:TTO)

Chung cư Ngọc Khánh đã bị nghiêng ngả. (Ảnh:TTO)

Rõ ràng, công tác giải phóng mặt bằng tồn tại nhiều năm nay trong việc thực hiện cải tạo chung cư nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến việc cải tạo CCC rơi vào bế tắc.

Từ sau năm 2014, thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực, nếu thực hiện cải tạo nhà CCC đã xuống cấp, nhưng không phải là nhà cấp nguy hiểm thì doanh nghiệp phải đạt 100% ý kiến đồng ý của cư dân. Vì vậy, dù có hàng trăm hộ dân sinh sống ở chung cư đã đồng ý, nhưng chỉ cần một hộ dân phản đối là dự án cũng đi vào “ngõ cụt”. Và thực tế, con số 100% đồng thuận là không thể đạt được bởi các hộ dân ở tầng 1 không dễ gì rời khỏi nơi đang “hái ra tiền” nhờ kinh doanh, mua bán...

Theo Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", Hà Nội đặt chỉ tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu CCC và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Trong đó có 3 khu CCC được đề xuất cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025 là: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh. Đây là các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp độ D (nguy hiểm đặc biệt, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp các hộ dân).

Để cải tạo, xây dựng mới các khu CCC, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu CCC trên địa bàn; nghiên cứu định hướng giải pháp quy hoạch theo khu CCC, nhóm CCC và các CCC độc lập nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng giao cơ quan chức năng lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các CCC.

Trước đó, TP Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cải tạo CCC do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm trưởng ban.

Ảnh minh hoạ.

Tín hiệu đáng mừng từ TP Hồ Chí Minh

(PLVN) -  Báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý III năm 2024 cho chúng ta thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

(PLVN) -  11 vị trí dọc nhà ga metro, Vành đai (VĐ) 3 dự kiến được TP HCM thí điểm mô hình TOD giúp khai thác tốt quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông công cộng. Kế hoạch triển khai các khu vực TOD tại các dự án trên vừa được UBND TP đưa ra sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP thí điểm một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

(PLVN) -  Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa tổ chức cuộc họp với Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đề nghị thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) kiểm kê đất đai để tiến hành tổng kiểm kê đất đai trên toàn địa bàn.