64 ngôi nhà, chỉ 1 nhà sáng đèn
Năm 2009, cơn bão số 9 quét qua các tỉnh Tây Nguyên để lại những hậu quả nặng. Huyện Đăk Glei là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, hàng trăm căn nhà bị lũ cuốn trôi, đổ sập; có thôn làng đối diện nguy cơ sạt lở.
UBND huyện đã triển khai nhiều dự án bố trí, sắp xếp dân cư theo phê duyệt của UBND tỉnh, nhằm di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; giúp người dân ổn định đời sống và sinh hoạt; đồng thời đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn.
Khu TĐC thôn Măng Rao là một trong những dự án đó, nhằm tạo nơi ở mới cho người dân thôn Đăk Đoát vừa bị lũ lụt, ảnh hưởng nặng nề sau bão. Khu TĐC khởi công năm 2012, hoàn thành năm 2014, diện tích 2,4ha, tổng mức đầu tư 16,8 tỷ đồng.
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek cho biết, trước khi chọn Măng Rao là khu TĐC, xã đã tổ chức họp dân và cơ bản bà con đồng ý. Sau khi khu TĐC hoàn thành, được sự vận động, có thời điểm người dân chuyển về ở gần 80%; có những hộ còn xây dựng nhà kiên cố, khang trang. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà người dân tại đây dần dần về lại làng cũ sinh sống.
Ngôi nhà duy nhất còn có người ở. |
Hiện nay, khu TĐC được đầu tư bài bản lên tới gần 17 tỷ đồng, gần trường học, trạm y tế, giao thông thuận lợi, nhưng lại bị bỏ hoang. Cả một khu đất rộng 2,4ha với 64 ngôi nhà chỉ còn duy nhất hộ gia đình anh A Nhông (37 tuổi) và chị Y Nhung (32 tuổi). Theo anh A Nhông: “Chúng tôi không có nương rẫy ở làng cũ. Vợ chồng quyết định bám trụ tại khu TĐC này để thuận tiện cho công việc phụ xe đường dài của tôi, thuận tiện cho con cái đi học sau này vì nhận thấy ở đây gần với trường học, trạm xá”.
Chị Y Nhung tâm sự: “Ở đây một mình xung quanh không có hàng xóm, có khi buồn và sợ. Giữa một khu nhà rộng lớn mà chỉ có mỗi gia đình mình buổi tối sáng đèn, cảm giác càng hiu quạnh. Tôi mong sớm ngày sẽ có nhiều hộ gia đình đến khu TĐC ở để cuộc sống đông vui, nhộn nhịp hơn”.
Tìm giải pháp giải quyết
Theo ghi nhận thực tế, khu TĐC thôn Măng Rao đã bị bỏ hoang lâu năm, đường giao thông cùng các ngôi nhà đã xuống cấp. Hầu như tất cả các ngôi nhà đã bị mất phần mái che, tường rêu mốc, cỏ um tùm khắp nơi, thậm chí, có những ngôi nhà cỏ mọc cao gần hết phần tường nhà…; đường giao thông thì bị người dân xung quanh tận dụng thành sân phơi vỏ cây bời lời, các loại nông sản. Còn sân vận động, sân các ngôi nhà thì thành nơi chăn thả gia súc như trâu, bò… của các hộ dân làng lân cận.
Ông Phạm Khắc Nghĩa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng như hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết ruộng nương của bà con đều nằm ở gần làng cũ Đăk Đoát, cách khu TĐC 7 - 10km; đường sá đi lại khó khăn. Để tiện cho việc đi làm rẫy, các hộ dân đã rủ nhau về sinh sống tại làng cũ.
Ngoài ra, yếu tố cộng đồng của các hộ dân rất cao cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện tại của khu TĐC. Đa số, người địa phương thích sống khép kín, thích ở nơi họ đã gắn bó lâu đời, hễ một nhà có việc gì là cả làng xúm lại giúp đỡ. Vì vậy, khi có một số hộ dân chuyển về làng cũ là các hộ khác đồng loạt đi theo.
Ông Phạm Khắc Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pek. |
Lãnh đạo xã Đăk Pek nói: “Khi làm khu TĐC, chính quyền xã, huyện còn có thiếu sót khi lúc đó chỉ lo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tìm chỗ ở ổn định, gần trường học, trạm y tế, giao thông thuận tiện cho bà con mà không cân nhắc đến yếu tố nơi sản xuất, ý thức cộng đồng, phong tục tập quán… của bà con Nhân dân”.
Được biết, chính quyền địa phương đã rất nhiều lần vận động, tuyên truyền, kêu gọi bà con làng Đăk Đoát về sinh sống tại khu TĐC Măng Rao nhưng chưa hiệu quả. Tới đây, xã sẽ xin ý kiến UBND huyện Đăk Glei bố trí khoảng đất trống còn lại (khoảng vài ngàn m2) để tạo nơi ở cho các hộ nghèo, một số hộ dân ở nơi có nguy cơ sạt lở, các thanh niên lập nghiệp… từ đó tạo ra khu dân cư tập trung nhằm tăng tính cộng đồng.
Để giải quyết được những khó khăn, tồn tại ở khu TĐC Măng Rao, ông Nghĩa cho rằng địa phương gặp phải rất nhiều vấn đề, trong đó việc bà con được bố trí nhà TĐC hiện tại không ở, nhưng cũng không chịu trả lại đất; nên việc bố trí, quy hoạch lại khu TĐC là rất khó khăn.