Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cơ quan Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bắt giữ thêm 4 đối tượng truy nã là thành viên trong cty Nam Long. 4 đối tượng truy nã vừa bị bắt giữ, gồm: Nguyễn Văn Lữ (sinh năm 1993), trú tại phường Đông Hải, quận Hải An (Hải Phòng); Mai Quang Anh (sinh năm 1997), trú tại Đại Bản, An Dương (Hải Phòng); Đặng Việt Hà (sinh năm 1988), trú tại Tân Thành, Kinh Dương, (Hải Phòng); và Đào Anh Tài (sinh năm 1991), trú tại phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Trước đó, 4 đối tượng này bị Cơ quan CSHS Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã theo Quyết định số 22, ngày 2-4-2019, do liên quan đến băng nhóm cho vay nặng lãi với lãi suất cao tự xưng là “Tập đoàn Nam Long”.
Tập đoàn này do Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1988, trú tại phường Cầu Kho, Quận 1, TP HCM) cầm đầu, với 26 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh. Các đối tượng đã tạo vỏ bọc hợp pháp với danh nghĩa là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam, thuê trụ sở, mở 26 chi nhánh, sau đó in card visit quảng cáo để cho vay nặng lãi. Theo thống kê, 23/70 tài khản ngân hàng “Tập đoàn Nam Long” có số tiền giao dịch hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi nặng ở 26 khu vực, tại 63 tỉnh, thành phố.
Được biết, “Tập đoàn Nam Long” là một tổ chức hoạt động tín dụng đen quy mô lớn, phức tạp với các hình thức tra tấn nhân viên như thời trung cổ nếu vi phạm; sử dụng nhân viên “dỗ ngọt” để mời khách hàng vay; sử dụng bạo lực để xử lý khách hàng quá hạn...
Hình thức kinh doanh cho vay tài chính của “Tập đoàn Nam Long” như sau: Hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, thì mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay. Còn hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày, thì mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay. Ngoài ra, còn một loại hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày. “Tập đoàn Nam Long” cũng tự ban hành các quy định để quản lý nhân viên, như: Bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, hủy hoại bản thân và gia đình.
Thủ đoạn hoạt động “Tập đoàn Nam Long” là tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng “vu khống”; sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau ở nhiều ngân hàng tạo thuận lợi cho việc khách hàng nộp lãi mặt khác chi nhỏ rủi ro khi bị phát hiện. Đã có nhiều trường hợp nhân viên của “Tập đoàn Nam Long” đe dọa bạo lực, sử dụng bạo lực để đòi nợ ở TP Cà Mau, tỉnh Lạng Sơn.
Hiện Công an Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các Cục cảnh sát hình sự, các cục nghiệp vụ - Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục điều tra, xử lý vụ án.