Tăng giá ngẫu hứng?
Dù năm 2010 và các tháng đầu năm 2011 thị trường TBVTV không có những đợt tăng giá đột biến, song kết quả thanh tra cho thấy, trong số 60 loại TBVTV có doanh số bán lớn nhất của 11 DN thanh tra, các mặt hàng tăng giá chiếm đa số, mức tăng giá lớn hơn mức giảm giá.
Cụ thể: Giá bán cuối năm (tháng 12/2010) với giá bán đầu năm (tháng 1/2010) phần lớn các loại đều tăng giá, tỷ lệ tăng giá phổ biến 10% - 25%; nhóm 10 sản phẩm có tỷ lệ tăng giá cao từ 28,3% - 51,9%, tăng cao nhất là loại Ridweed RP 480SL (Vàng) của Cty CP Hóa nông Lúa vàng. Giá bán các Cty điều chỉnh tăng mạnh phổ biến vào tháng 2, 3 và tháng 5/2011.
Tháng 6/2011 so với tháng 1/2011 hầu hết các loại thuốc BVTV đều tăng giá, nhóm 10 sản phẩm có mức tăng giá cao nhất từ 18,9% - 28,1%, tăng cao nhất là giá bán thuốc trừ sâu Sutin 5EC tại khu vực miền Trung của Cty CP Bảo vệ thực vật I TW. Tổng chung lại giá cuối quý 2 năm 2011 tăng so với thời điểm tháng 1/2010 tăng từ 47% - 55% ; giá bán của các loại TBVTV 6 tháng đầu năm 2011 tăng so với năm 2010 từ 3% - 37%, cao hơn mức tăng của giá thành toàn bộ (tăng từ 3% - 30%).
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, điều bất ngờ là các DN định giá bán TBVTV tăng, giảm, cao hay thấp không hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí sản xuất, nhiều trường hợp giá bán thoát ly cách biệt hẳn so với giá thành sản phẩm, nhiều loại tăng giá cao hơn mức tăng của chi phí sản xuất. 11 DN được thanh tra cũng đăng ký và kinh doanh 7 tên thương phẩm loại 800WG này, nhưng giá bán của các DN dao động từ khoảng 2 triệu - 5,4 triệu đồng/1kg, tỷ lệ lãi tính trên giá thành các DN đạt được cũng khác biệt nhau từ 11% - 56%.
Đặc biệt, hiện trên thị trường trong nước có quá nhiều loại tên thương phẩm TBVTV được lưu hành, trong đó có nhiều loại tên thương phẩm khác nhau nhưng thực chất có cùng thành phần, hàm lượng và cùng công dụng, vì vậy, người sử dụng dễ lệ thuộc vào quảng cáo mà không thể tự đánh giá được tính hợp lý của giá sản phẩm bán trên thị trường.
Ngẫu hứng kê khai thuế
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN hoạt động cầm chừng hoặc phá sản, nhưng theo kết luận của Thanh tra, kết quả kinh doanh của 11 DN đều có lãi, năm 2010 lợi nhuận trước thuế DN thấp nhất là 1,1 tỷ đồng, DN cao nhất là 494,8 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ khá cao từ 9,4 - 143,1 % ; 7 DN đạt 23,6 - 78,9%; 2 DN đạt 130 - 143,1%
Thanh tra Bộ Tài chính cũng phát hiện tại 11 DN còn nhiều sai phạm về kê khai thuế, đã kiến nghị truy thu nộp NSNN số tiền khoảng 7,2 tỷ đồng (Thuế GTGT gần 114 triệu đồng, thuế TNDN hơn 7 tỷ đồng, thuế TNCN hơn 121 triệu đồng). Đồng thời kiến nghị thu hồi nộp NSNN số tiền hơn 30 tỷ đồng, khoản tiền vốn nhà nước trước khi cổ phần hóa tại Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang chưa nộp NSNN. Ngoài ra, các DN còn bị xử phạt VPHC về giá (vì chưa thực hiện đăng ký giá, đăng ký giá chưa thực hiện đúng các nội dung theo quy định) với số tiền 27,5 triệu đồng…
11 DN được thanh tra là đại diện cho các loại hình DN 100% vốn nước ngoài, Cty CP, Cty TNHH nằm trong nhóm 15 DN dẫn đầu về sản lượng (tính đến cuối năm 2009 cả nước có 03 nhà máy sản xuất, 76 cơ sở gia công, sang chai-đóng gói thuốc BVTV được xây dựng tại 20 tỉnh/thành phố). Hoạt động SXKD của 11DN đều là nhập khẩu hoạt chất kỹ thuật về pha chế hoặc nhập khẩu thành phẩm TBVTV cả thùng phuy, bao lớn, sau đó sang chai đóng gói nhỏ; quy trình pha chế đóng gói đơn giản, máy móc thô sơ, chủ yếu là lao động thủ công.
Thanh Thanh