Tuy nhiên, trình độ dân trí của chúng ta trong việc thẩm định tin tức đã có những bước tiến đáng kể, họ nghe bằng hai tai và nhìn bằng đôi mắt không bị khúc xạ bởi lăng kính nào cả. Những bình luận từ độc giả cho thấy một điều rõ ràng là họ ủng hộ, đồng tình với phóng sự phá rừng này, bất chấp nó có được dàn dựng hay không.
Có ý kiến thẳng thừng phê phán Công an Đắk Lắk tại sao không điều tra việc phá rừng mà lại đi tìm những chi tiết dàn dựng của phóng sự này?. Đa phần thống nhất cao là nạn phá rừng ở đây là có thực, phóng sự chỉ phản ảnh được một góc nhỏ của đại ngàn bị tàn phá thôi, chẳng cần vào rừng, chỉ cần nhìn cơ ngơi và nội thất nhà quan chức là thấy rõ.
Ở diễn biến ngược lại, VTV có một động thái khiến dư luận thích thú, đồng tình: Họ sẽ phát lại toàn bộ phóng sự này! Hẳn rằng số lượng người xem sẽ tăng đột biến và những ai đã bỏ qua nay có cơ hội để xem lại và đánh giá một cách khách quan hơn, cho dù có dàn dựng thì khán giả cũng đồng tình với sự dàn dựng đó vì nó phản ảnh một thực tế nhức nhối về nạn phá rừng.
Gần đây nhất, một đại biểu Quốc hội của tỉnh Đắk Lắk đã phát biểu tại nghị trường, nêu lên một sự thật nghiệt ngã và cay đắng ở tỉnh này còn sót lại một khu rừng nguyên sinh thôi mà người ta cũng chuẩn bị tận diệt nốt để làm thủy điện. Chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk nên tập trung vào chặn đứng việc phá rừng, xử lý nghiêm bọn lâm tặc cấu kết với nhau để hưởng lợi từ tài nguyên vô giá này chứ để sức lực, tâm huyết vào đối phó với một tác phẩm báo chí thì nhân dân địa phương và cả nước chẳng ủng hộ đâu.
Qua câu chuyện này, những khuất tất, tiếp tay trong việc phá rừng cần phanh phui làm rõ chứ không phải điều tra xem những người làm phóng sự này với động cơ gì, tại sao họ lại phải dàn dựng.
Tương tự như câu chuyện này, tuần qua, như một sự ngẫu nhiên tình cờ mà hai vị Chủ tịch của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đề cập đến sự khuất tất cần làm rõ và cần chấm dứt. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đặt câu hỏi: “Cảnh sát phòng cháy có sân sau không, có người thân quen vào bán thiết bị cho nên đến lúc các chủ doanh nghiệp chây ỳ ra anh có nói được hay không?”.
Còn Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ ra một sự thật là doanh nghiệp muốn gặp lãnh đạo thành phố cũng phải xì ra những “chi phí không chính thức”. Ông nói: “Có một bộ phận chuyên nhận chạy chọt vấn đề này, làm mất uy tín của chính quyền, lãnh đạo trong mắt doanh nghiệp”. Thì ra, chuyện doanh nghiệp “ra mắt” giám đốc sở ở một tỉnh nọ có giá cố định là 10 “chai” là có thật và cái câu dân gian “quan thì xa, bản nha thì gần” đúng hơn hết trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay!