Tự chủ toàn diện khác gì tự chủ bấy lâu nay?
Ngày 11/6/2021 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 3897/VPCP-KGVX, gửi Bộ Y tế, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan quy định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập ban hành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế; đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại BV Bạch Mai, BV K; trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm phù hợp để áp dụng cho BV Chợ Rẫy và Việt Đức”.
Mô hình tự chủ toàn diện BV so với với cơ chế tự chủ BV lâu nay, có điểm khác nhất ở khâu chi đầu tư. Tuy nhiên, mô hình tự chủ toàn diện lại thiếu những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, dẫn tới những lúng túng khi triển khai.
Theo các chuyên gia, tự chủ ở BV công lập là xu thế tất yếu để phát triển và cần thực hiện theo lộ trình, chủ trương của Nghị quyết 33/NQ-CP là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng mỗi BV có đặc điểm riêng về chức năng, lĩnh vực phạm vi hoạt động, nguồn nhân lực… nên cần có cơ chế tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể từng BV.
Tại các BV, hiện thực hiện tự chủ theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Hình thức tự chủ này so với tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP gần giống nhau, chỉ khác ở chỗ không có tự chủ chi đầu tư.
Về chi đầu tư, vấn đề cốt yếu là quy định khung giá các dịch vụ y tế cần được tính đúng, tính đủ bao gồm cả khấu hao thiết bị, tài sản… Nhưng quy định này vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành, hiện trong lộ trình hoàn thiện. Nói cách khác là các BV vẫn chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện chi đầu tư.
Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội từng đánh giá vấn đề tự chủ BV như sau: “Hành lang pháp lý về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, trong đó có tự chủ với BV công lập còn chưa đầy đủ; thiếu quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, việc sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập”.
Trước khi tự chủ toàn diện, một số bệnh viện như K đã tự chủ phần lớn tài chính, phát huy hiệu quả trong đầu tư trang thiết bị hiện đại. |
“Đặc biệt, BV được giao tự chủ song chưa tự chủ “thực chất” do còn nhiều ràng buộc liên quan bộ máy, con người, bố trí nhân sự, biên chế. Việc giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn chưa phù hợp với một số BV. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ chi phí; trong khi các BV phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc cân đối thu - chi của BV, đặc biệt là các BV có nguồn thu thấp…”.
Cần lấy ý kiến người trong cuộc
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc họp về tự chủ BV vào tháng 4/2021 từng cho biết: “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ; làm thay đổi tư duy, nhận thức của các đơn vị, không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, cơ chế tự chủ cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan tổ chức bộ máy, biên chế. Các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm. Tương tự, các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm cũng chưa rõ ràng. Trong hoạt động liên doanh, liên kết, thuê tài sản, còn nhiều thủ tục rườm rà, cản trở hạn chế tốc độ đầu tư phát triển so với khu vực ngoài công lập.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, đã có 253 đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên, trong đó 37 đơn vị trực thuộc Bộ; nhiều đơn vị đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên; 4 BV được cho phép thí điểm tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư là Bạch Mai, K, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy.
Sau thời gian thí điểm, một số ý kiến cho rằng, cần lấy ý kiến tập thể lãnh đạo BV trước khi BV đó chính thức thực hiện “tự chủ toàn diện”, vì chỉ có tập thể lãnh đạo đơn vị mới hiểu rõ nhất những bất cập rắc rối sẽ diễn ra khi triển khai cơ chế mới tại đơn vị mình. “Bài học Bạch Mai” đã xảy ra, hàng loạt người lao động nghỉ việc, bị đánh giá thực hiện “tự chủ toàn diện” theo kiểu “nửa vời” khi Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý (Bạch Mai chưa có Chủ tịch Hội đồng Quản lý). Còn BV K thì mới triển khai thí điểm, khó có thể đánh giá cụ thể thời điểm này.
Một chuyên gia nhiều năm tâm huyết với lĩnh vực y tế nói: “Điều cần thiết nhất hiện nay là cán bộ chức năng tại Bộ Y tế và 4 BV đã đang dự định sẽ thí điểm toàn diện, cần dũng cảm báo cáo trung thực, chính xác những bất cập đã xảy ra; đề xuất những giải pháp tháo gỡ; để Chính phủ nắm bắt cụ thể tình hình và có những chỉ đạo đúng đắn, hợp lý”.