Song tổn thất này một lần nữa nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ thiên nhiên để đổi lại được sự bảo vệ, chở che của tự nhiên nhằm giảm thiểu nguy cơ cũng như sự tàn phá của thiên tai, nhất là lũ và sạt lở đất.
Rừng “đi” lũ càng “cuồng nộ”
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, sự hình thành của lũ quét có liên quan mật thiết đến cường độ mưa, điều khí hậu,. đặc điểm địa hình, các hoạt động của con người cũng như điều kiện tiêu thoát nước. Các nguyên nhân gây lũ quét gồm mưa lớn tập trung trên lưu vực nhỏ miền núi, hẻo lánh nhưng điều kiện tự nhiên hầu như vẫn giữ nguyên hoặc trên các lưu vực có độ dốc lớn có hoạt động của người mạnh mẽ, phá vỡ cân bằng sinh thái làm biến đổi lớp phủ, mặt đệm thay đổi chế độ dòng chảy, thay đổi khả năng trực nước của đất, đất dễ xói mòn, sạt lở. Nguyên nhân nữa gây ra lũ quét là do phá rừng khai thác gỗ, cây cối cùng với đá sỏi, rác rưởi bị cuốn trôi tạo thành các barie ngăn nước tạm sau bị đổ vỡ tràn xuống gây lũ với sức tàn phá tăng lên gấp bội.
Khoa học đã chứng minh, hệ sinh thái rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hạn chế lũ quét, sạt lở đất. Cách đây 7 năm, nghiên cứu của TS.Vũ Thị Thanh Minh (Trưởng khoa Quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Trường Cán bộ dân tộc) đã chỉ rõ, tài nguyên rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang bị suy thoái nặng nề, độ che phủ rừng đã giảm sút đến mức báo động. Nhưng khảo sát của các chuyên gia, đến năm 2016 độ phủ rừng còn rất thấp, chỉ đạt 30-40%. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, tốc độ tàn phá rừng lớn hơn nhiều lần tốc độ trồng rừng. Rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn cũng bị tàn phá.
Hậu quả của “đất trống đồi trọc” là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và đó cũng là một trong những yếu tố làm suy giảm môi trường tự nhiên ở các tỉnh miền núi. Sau vụ sạt lở đất ở huyện Yên Châu (Sơn La), tại bãi vàng Mà Sa Phìn (Văn Bàn, Lào Cai) năm 2016, các nhà khoa học đã cảnh báo, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng này “mạnh nhất trong 10 năm qua” do phát triển thiếu quy hoạch. Trong đó nổi lên là tình trạng phá rừng và khai thác khoáng sản tràn lan đã đẩy nhanh quá trình sạt lở đất vốn tiềm ẩn tại khu vực này, nhất là khi có mưa lớn kéo dài.
Không những thế, việc phát triển ồ ạt các thủy điện nhỏ trong 10 năm qua (như Hà Giang và Cao Bằng đã quy hoạch trên 100 dự án thủy điện) đã biến nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng thành hồ chứa, làm thay đổi các dòng chảy, ảnh hưởng đến chế độ thủy văn, môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.
Vì vậy, nhận định tình hình chung cho thấy, những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và sức tàn phá do nhiều tố, mà nguyên nhân chủ yếu là do việc phát triển dân số, kinh tế ở khu vực miền núi, việc chặt phá rừng đầu nguồn, do xây dựng các công trình chắn ngang dòng chảy, làm tắc nghẽn các đường thoát lũ. Các tỉnh nằm trong vùng nguy hiểm sạt lở là Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận. Dự kiến năm 2020 mới có bản đồ chi tiết quy hoạch vùng sạt lở. Vì thế cho đến lúc đó, cuộc sống của hàng nghìn người dân vẫn luôn bị tình trạng sạt lở và lũ khi có mưa lớn đe dọa.
Đánh giá của các tổ chức quốc tế cảnh báo, thiệt hại do thiên tai (mưa lũ, sạt lở đất) ở Việt Nam “vào loại lớn nhất trên thế giới” nhưng tình trạng phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, thậm chí rừng còn bị tàn phá nặng nề, ngang nghiên vì “thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật bảo vệ và phát triển rừng không nghiêm”.
Bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ đất, ngăn lũ
Trận lũ quét tại miền núi phía Bắc vừa qua, nhất là tại Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu… được nhận định là “trận lũ quét lịch sử”. Tổng hợp từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, đã có 23 người chết, 16 người mất tích, 64 người bị thương, 228 căn nhà bị cuốn trôi, 377 hộ dân phải đi sơ tán và hơn 288 ha lúa, 128 ha ngô, lạc , 5 ha đất ruộng bị sạt lở, 144 công trình thủy lợi và 2.000 m kè bờ suối thuộc huyện Mường La (Sơn La) bị thiệt hại…
Cuộc sống của nhiều người dân ở mấy tỉnh miền phía Bắc đã trôi theo dòng nước khi những trận lũ quét, lũ ống chạy qua. Giờ tang thương vẫn đang bao trùm những ngôi làng tan hoang và hằn sâu trong ánh mắt khắc khoải của những người sống sót. Khắc phục hậu quả sau lũ, các địa phương lưu ý dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường, phòng chống dịch bệnh khu vực xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt trong ngắn hạn để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân sau thiên tai. Còn về lâu dài, cần khắc phục triệt để những nguyên nhân gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi để mỗi khi mưa lớn, tập trung có thể hạn chế tối đa những dòng nước lũ, cũng như giảm được sự tàn phá của nước lũ khi đi qua xóm làng, đồng ruộng.
Đó là khơi thông dòng chảy, mở rộng diện tích rừng trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý để giữ đất, ngăn lũ, giữ nước và tránh làm cạn kiệt nguồn nước. Tiếp tục rà soát, di dời các hộ ở vùng sạt lở đến nơi an toàn, tránh xa các nơi có nguy cơ lũ quét cao, cũng như đẩy tăng cường tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Như Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã cảnh báo, còn tình trạng chủ quan khi ứng phó với thiên tai. Thực tế, Bộ TN&MT đã cảnh báo về những điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc nhưng “nhiều địa phương còn chủ quan, một bộ phận người dân thì bất cần” nên khi thiệt hại xảy ra, dù cứu trợ, cứu nạn rầm rộ cũng không còn tác dụng. Tăng cường hiệu quả công tác cảnh báo thiên tai, cả trước và sau bão. Nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất diễn ra do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão khiến lực lượng chức năng và người dân “trở tay không kịp” do yên tâm vì “bão đã qua”.
Đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; rà soát quy hoạch sử dụng đất lồng ghép với yêu cầu phòng chống thiên tai. Nâng cao đời sống của người dân vùng miền núi, khó khăn để hạn chế các hoạt động du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy.
REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, tăng cường trữ lượng carbon rừng.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về REDD+ đến năm 2030 và đường tham chiếu rừng (FREL/FRL) nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ carbon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, thông qua các hoạt động REDD+ sẽ nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng thực hiện REDD+, bảo đảm có đủ năng lực để tiếp cận nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm gia tăng tích lũy carbon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý, bảo vệ và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên. Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng
Đến 2030, tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mức đóng góp có thể tăng lên 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ vào chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trị, chương trình này được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, ưu tiên vào các khu vực là điểm nóng về mất rừng, suy thoái rừng, vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu và có tiềm năng tăng trữ lượng carbon rừng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2030.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, hiện tại, có khoảng 25 triệu người đang sống trong và cạnh vùng rừng núi ở Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn phá rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, từng bước chuyển từ nhiều rừng sang rừng có chất lượng tốt hơn và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ đó, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% năm 2010 lên 41,19% năm 2016, trở thành quốc gia duy nhất trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng. (chinhphu.vn)