Những vấn đề đặt ra trong công tác tư tưởng, lý luận hiện nay
Trong những năm qua, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong công tác tư tưởng, lý luận góp phần trực tiếp, quyết định vào công tác xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng vững vàng kiên định về chính trị trước các đợt tiến công liên tục về chính trị, tư tưởng, tâm lý của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng ta đang còn có những khó khăn và hạn chế nhất định.
Chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Nền kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém; đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn; tệ nạn xã hội có chiều hướng phát triển… Thực tế đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tâm trạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó, có cả những cán bộ cao cấp. Chính vì vậy, ngày nay, nhiệm vụ cấp bách nhất, quan trọng nhất là phải củng cố vững chắc chính trị, tư tưởng và tổ chức trong hệ thống chính trị; tăng cường mạnh mẽ yếu tố tự giác về chính trị của mỗi cán bộ đảng viên, biến mỗi cán bộ đảng viên, đặc biệt là mỗi cán bộ đảng viên trên mặt trận tư tưởng, lý luận thành những chiến sĩ tiên phong của Đảng đứng vững trên lập trường quan điểm của giai cấp công nhân chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mỗi cán bộ đảng viên phải có tinh thần đấu tranh và tranh luận có tính thuyết phục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - những quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, những luận điểm xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có đủ sức mạnh để chiến thắng hệ tư tưởng tư sản.
Việc bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là khẳng định lại một cách giản đơn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà xuất phát từ những nguyên lý đó chúng ta nhất thiết phải phát triển cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn mới mẻ, phong phú; phát triển lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới; không những có khả năng giải thích một cách thuyết phục các hiện tượng cực kỳ phức tạp đang diễn ra mà còn có khả năng động viên và tổ chức các lực lượng cách mạng đấu tranh để cải tạo đời sống hiện thực theo qui luật của tiến bộ xã hội và văn minh.
Chủ nghĩa yêu nước là một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của dân tộc ta. Sở dĩ cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là vì Đảng ta đã biết kết hợp tài tình phong trào yêu nước của nhân dân ta với lý tưởng XHCN. Sở dĩ quân đội ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh trước đây và làm tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình là do đã phát huy được cao độ chủ nghĩa yêu nước, lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và CNXH của nhân dân ta.
Ngày nay, nội dung chủ yếu của yêu nước là phải chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, phải chiến thắng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” kết hợp bạo loạn lật đổ và các thủ đoạn khác của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Như vậy, nội dung của chủ nghĩa yêu nước ngày nay vừa phải tiếp tục chống đế quốc và các thế lực thù địch để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc; đồng thời, yêu nước ngày nay nhất thiết phải xây dựng đất nước, phải đánh thắng cả giặc đói, giặc dốt, “giặc nội xâm”; làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Xây dựng được một đất nước và một dân tộc như vậy chính là xây dựng CNXH...
PGS. TS Bùi Đình Bôn |
Kiên định vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng
Trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận nói riêng, Đảng ta luôn đặt việc xây dựng về chính trị lên hàng đầu. Chưa bao giờ nguyên lý đó có ý nghĩa quan trọng như hiện nay. Sự chuyển hướng trong chiến lược xâm lược của kẻ thù, âm mưu “diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; những nguy cơ đe dọa đất nước và sự mất còn của chế độ; sự tấn công của hệ tư tưởng tư sản; ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang gây ra những tác động phá hoại không nhỏ trên phương diện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân. Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải tăng cường công tác đấu tranh tư tưởng - lý luận ở nước ta hiện nay. Trong đó, vấn đề nâng cao năng lực trí tuệ và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ lý luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hơn bao giờ hết, người cán bộ lý luận phải vừa là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chính trị - tư tưởng, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giương cao ngọn cờ đường lối đổi mới đúng đắn và sáng tạo của Đảng; vừa là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, bảo vệ những giá trị nhân bản, khắc phục mọi sự tha hóa, biến chất do môi trường tư sản trong thời kỳ quá độ sản sinh ra. Người cán bộ lý luận của Đảng trong những thập niên đầu thế kỷ XXI và trong thời kỳ mới phải là một nhân cách mới; biết học tập, kế thừa và phát triển những truyền thống tốt đẹp của người cán bộ lý luận trong những thời kỳ trước đây; thường xuyên rèn luyện, trau dồi các đặc trưng bản chất tiêu biểu nhất của người cán bộ lý luận của Đảng là sự vững vàng kiên định về chính trị, sự trong sáng kiểu mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống của người cách mạng; sự quán triệt sâu sắc quan điểm, tác phong, phương pháp công tác của Đảng đối với con người. Đồng thời, không ngừng bồi dưỡng cho mình có những kiến thức khoa học cần thiết và kỹ năng, năng lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - lý luận trong thời kỳ mới.
Trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cán bộ lý luận kế tiếp, cần phải đặc biệt coi trọng bồi dưỡng sự kiên định vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng; đặc biệt chú ý bồi dưỡng sự nhạy cảm về chính trị, năng lực tổng hợp và phân tích chính xác mọi mặt, mọi khía cạnh của tình hình để tìm ra những khâu trọng yếu phải giải quyết, khả năng đánh giá đúng đắn và dự báo chính xác chiều hướng phát triển của tình hình để chủ động ứng phó... Chính vì thế, ngay từ bây giờ phải hoạch định được một chiến lược dài hạn đào tạo thế hệ cán bộ lý luận chính trị của thời kỳ mới, từ nguồn đào tạo, chương trình và nội dung đến hình thức, phương pháp tổ chức đào tạo và đào tạo lại, để đội ngũ này vượt ra khỏi tình trạng bất cập hiện nay, thực sự ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và chức trách được giao.
Người cán bộ lý luận không chỉ tiên phong gương mẫu về lý luận, về chính trị mà còn phải tiên phong gương mẫu trong hành động, trong công tác và sinh hoạt. Ngày nay, sự gương mẫu của người cán bộ lý luận về mặt phẩm chất đạo đức cách mạng đóng vai trò quyết định trực tiếp nâng cao uy tín của Đảng trong quần chúng. Trong một môi trường xã hội của thời kỳ quá độ, nhất là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường, trong đó vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực thì để thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư” thật không dễ. Các tổ chức đảng và người đảng viên phải tăng cường đấu tranh nội bộ, nêu cao tự phê bình và phê bình trong từng tổ chức và trong mỗi con người, một cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt, dai dẳng chống lại mọi cám dỗ và cạm bẫy của những tư tưởng, tác phong, lề thói tư sản và tiểu tư sản đang hằng ngày, hằng giờ gây sức ép, tấn công vào tổ chức đảng và mỗi người cán bộ đảng viên.
Mỗi cán bộ đảng viên của Đảng, nhất là cán bộ lý luận phải không ngừng nâng cao trí tuệ mọi mặt của mình, làm cho trí tuệ chung của tổ chức đảng được nâng lên. Không lúc nào bằng lúc này, lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” lại có tính thời sự như vậy. Do trình độ dân trí của nhân dân ngày càng cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, đòi hỏi người cán bộ lý luận phải có kiến thức sâu, rộng mới đủ sức phê phán những quan điểm sai trái có sức thuyết phục mang tính khoa học, mới đủ sức tranh luận, thuyết phục người khác.
Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương