Tiếng cười đằng sau nỗi đau
Trong thời gian vừa qua, câu chuyện ngược đãi động vật ở Đà Lạt khiến không ít người phẫn nộ. Được biết, vài năm trở lại đây, cứ khoảng chiều tối, tại Quảng trường Lâm Viên, Hồ Xuân Hương những chú chó Alaska xinh xắn, ngoan ngoãn ngồi im được nhiều người chú ý và xin chụp ảnh (có trả phí). Chụp ảnh cùng chó đã trở thành một “sản phẩm” du lịch mới, khiến nhiều người muốn trải nghiệm.
Tuy nhiên, đằng sau hình ảnh các chú chó Alaska nghe lời, sẵn sàng ngồi hàng tiếng đồng hồ tại quảng trường là những vết roi, vết hằn đau đớn. Bức ảnh các chú chó bị chủ đánh đập tàn nhẫn khiến cộng đồng và những tổ chức bảo vệ động vật liên tục lên án. Nhưng nhận về là lời thách thức, đe dọa của chủ nhân các chú chó.
Cũng ở Đà Lạt, tại chùa Linh Phước (phường 11), hình ảnh chú chó Poodle phải đứng hai chân nhiều giờ khiến du khách xót xa.
Được biết, chủ của chú chó bị khuyết tật, cả hai cùng nhau mưu sinh gần cổng chùa. Tại đây, chú chó Poodle phải đứng bằng hai chân sau cả ngày để mua vui, “xin” tiền nuôi chủ.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, ở một vườn sinh thái nổi tiếng đã xảy ra những vụ bạo hành động vật. Theo hình ảnh ghi lại của các du khách tham quan, vườn sinh thái nhốt những chú mèo chung với đàn hổ to lớn. Các vết máu, tiếng kêu rên yếu ớt của đám mèo con trong hoảng loạn, sợ hãi khiến phần lớn du khách tham quan vô cùng đau lòng.
Ngoài việc nuôi nhốt chung mèo và hổ. Để chiều lòng các du khách nhí, vườn sinh thái còn đeo xích vào cổ những loài vật hiền lành, dễ thương như rái cá để tiện cho các em nhỏ ôm vuốt. Đây là một hình ảnh đáng buồn, khi rái cá vốn là loài cần được bơi lội tự do, nhưng lại bị nhốt trên cạn để mua vui cho con người.
Thực tế, những câu chuyện bạo hành động vật ở các điểm đến du lịch kể trên là một phần rất nhỏ. Vẫn còn đó những mô hình kinh doanh tự phát ngược đãi các loài động vật như khỉ, voi, chó, mèo... để làm trò vui cho du khách. Bên cạnh tiếng cười sảng khoái, là nỗi đau vô tận của loài vật vốn xứng đáng được sống đúng với bản năng, tự do của mình.
Chấm dứt ngược đãi động vật, xây dựng du lịch văn minh, thân thiện
Phát triển du lịch bền vững đang là một hướng đi trọng tâm hiện nay của đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Du lịch bền vững không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn phải thân thiện với động vật. Bởi giống như con người, động vật cũng cần được sống trong không gian an toàn, tự do và phù hợp với bản năng tự nhiên của chúng.
Trên thế giới, rất nhiều đất nước đã mất điểm với khách du lịch chỉ vì hành động ngược đãi động vật.
Như ở Trung Quốc, bộ môn xiếc thú từng bị “tẩy chay” dữ dội, vì hình ảnh những chú gấu bị xích cổ, đánh đập dã man.
Tại Thái Lan, câu chuyện chú voi chở khách du lịch bị vẹo cột sống sau 20 năm “làm việc” nhận được nhiều phản hồi tiêu cực từ du khách.
Hay ở Tây Ban Nha, lễ hội đấu bò tót truyền thống cũng khiến nhiều khách du lịch cảm thấy sợ hãi. Sau nhiều năm được các tổ chức bảo vệ động vật khuyến cáo, vào ngày 3/5 vừa qua, Chính phủ đất nước này cho biết sẽ bỏ giải đấu bò quốc gia được tổ chức thường niên.
Quyết định này nhận được sự ủng hộ của nhiều khách du lịch, người dân và các nhóm bảo vệ động vật.
Tại Việt Nam, đối với động vật hoang dã trong rạp xiếc, trước khuyến nghị của Liên minh châu Á vì động vật (AfA), Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có lộ trình chuyển từ động vật hoang dã sang vật nuôi. Tuy việc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn, nhưng hiện nay, các sân khấu đã vắng bóng thú hoang dã và thay bằng những loài động vật quen thuộc như chó, mèo, lợn, gà, ếch...
Ở Đắk Lắk, mô hình kinh doanh cưỡi voi phục vụ khách du lịch đã được bãi bỏ. Thay vào đó, đàn voi các nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và voi được chính quyền bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi...
Tuy nhiên, ngoài động vật hoang dã, việc bảo vệ vật nuôi ở Việt Nam cũng cần phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa. Như tại khoản 4 Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định: “Không đánh đập, hành hạ vật nuôi”. Còn theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, những hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi có thể bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Ngoài việc chấp hành đúng pháp luật Việt Nam quy định, mỗi du khách có thể cùng lên tiếng phản đối những “sản phẩm” du lịch phản cảm này. Lấy ví dụ, mọi người có thể đồng loạt “tẩy chay” các loại hình kinh doanh này khi nhận thấy tình trạng và điều kiện sức khỏe của các loài động vật không bảo đảm.
Không có cầu thì sẽ không có cung, việc đồng lòng không ủng hộ những hình thức kinh doanh tự phát, vô nhân đạo sẽ có thể sẽ khiến người vi phạm ngừng hoạt động. Đồng thời, mỗi khách hàng cũng cần tự trang bị ý thức về cách tương tác, đối xử với các loài vật khi tham gia trải nghiệm những dịch vụ trên.