Báo thế giới nói về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Phía Trung Quốc phải "kiềm chế không lặp lại hành động vi phạm chủ quyền trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cũng phải bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam", Reuters dẫn công hàm ngoại giao Việt Nam gửi sứ quán Trung Quốc.

Sự việc các tàu hải giám Trung Quốc hôm 26/5 đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý đã vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của Việt Nam trên vùng biển này. Mấy hôm nay, nhiều báo chí quốc tế cũng đã lên tiếng trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế này từ phía Trung Quốc.

Tàu hải giám Trung Quốc.
Tàu hải giám Trung Quốc.

Báo Financial Times dẫn lời chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, ông Carl Thayer, cho rằng, sự việc nói trên thể hiện sự gây hấn ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc trên Biển Đông. 

Financial Times cũng viết: Trung Quốc thường xuyên bắt giữ ngư dân Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây tàu hải giám Trung Quốc đụng độ với tàu khai thác dầu khí Việt Nam. Một tàu của Philippines cũng đã phải chịu một cuộc đụng độ tương tự với tàu hải giám của Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. 

Theo Financial Times, vụ việc nói trên chỉ xảy ra một tuần sau khi Trung Quốc và Philippines cùng thống nhất “ứng xử có trách nhiệm” trong vùng biển tranh chấp và nhắc lại thỏa thuận về việc giải quyết một cách hòa bình.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Liang Guanglie tới Manila mới đây, các quan chức hai nước này cũng đã nhất trí tránh những động thái đơn phương có thể gây căng thẳng thêm trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tuyên bố sau chuyến thăm rằng, những vụ va chạm này có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và buộc Philippines phải tăng cường lực lượng quân sự của mình tại đây.

Hãng tin Reuters cũng đưa tin về vụ việc nêu trên, theo đó 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã thách thức một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, phá hoại trang thiết bị và còn lên tiếng đe dọa tàu Việt Nam.

Reuters viết: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối vụ việc bằng việc gửi công hàm ngoại giao cho các nhà ngoại giao của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm thứ Năm (tuần trước). Phía Trung Quốc phải "kiềm chế không lặp lại hành động vi phạm chủ quyền trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cũng phải bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam", Reuters dẫn lại nội dung công hàm khi đưa tin về vụ việc.

Hãng tin Bloomberg cũng dẫn lại nguồn tin Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam Đỗ Văn Hậu về việc 3 tàu Trung Quốc cắt dây cáp thăm dò của con tàu thuộc sở hữu của Tập đoàn này. Ông Hậu cho biết, tàu Trung Quốc cho rằng tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, song thực tế tàu Việt Nam đang làm việc trong vùng lãnh thổ của mình.

Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”, Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia khẳng định.

BBC dẫn lại rõ ràng tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga chiều 29/5: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam”.

Bà Nguyễn Phương Nga cũng yêu cầu Trung Quốc bồi thường: “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

 BBC viết: Trước đó, PetroVietnam tuyên bố 3 tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, uy hiếp và phá hoại thiết bị của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của hãng này. Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Trong khi đó, hãng tin AFP cũng dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc sau vụ va chạm, khẳng định Bắc Kinh đã "đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước". "Trung Quốc đang gây hiểu nhầm với ý định biến một khu vực không có tranh chấp thành một khu vực tranh chấp", bà Nga truyên bố. Theo AFP, việc Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh trên Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước láng giềng cũng như với Mỹ.

Tại cuộc họp báo chiều 29/5, bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc  đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc”. 

Bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh cần phải làm rõ 3 vấn đề. Trước hết, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo công ước Luật biển của LHQ 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

Thứ hai, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thứ ba, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Quang Minh (tổng hợp)

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.