PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế, một trong những chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu văn hóa và lịch sử thường xuyên theo dõi về tình trạng bạo lực học đường qua báo chí. Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu quan điểm của Tiến sĩ.
PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế |
“Trước hết, chúng ta phải cảm ơn các nhà báo và các phương tiện truyền thông đã có những phản ánh và thông tin cho bạn đọc về vấn nạn này. Tôi là độc giả thường xuyên của nhiều báo điện tử nên thấy mật độ đưa tin thời gian gần đây cũng rất nhiều. Nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường theo kiểu từ trên nhìn xuống, có lẽ chúng ta mới chỉ nhìn thấy nó đúng một nửa mà thôi. Tôi là giảng viên đại học, môi trường đại học giáo dục những thanh niên đang khát khao cống hiến nhất, môi trường ấy dám chắc không có bạo lực? Hay chúng ta chưa nhìn thấy để phản ánh lên báo?
Cá nhân tôi luôn nhìn nhận tất cả các vấn đề của đời sống xã hội hiện nay từ góc độ lịch sử văn hóa. Đặc biệt, chúng ta đặt vấn đề bạo lực học đường trong bối cảnh gia đình, cộng đồng xã hội mới thấy hết được nhiều góc cạnh của nó.
Xã hội nào cũng vậy, ta vẫn bắt gặp cảnh lớn bắt nạt nhỏ, mạnh bắt nạt yếu và ngay trong gia đình, đứa trẻ lớn hơn vẫn thường tị nạnh hay tranh phần với đứa em. Ai là trọng tài lúc phân xử đó? Trước hết là cha mẹ, “Thôi mày nhường em, anh lớn hơn, làm anh khó lắm!”.
Vấn đề bạo lực học đường là có thật và tồn tại ở bất kỳ cấp học nào, mẫu giáo cũng có, tiểu học, trung học... và từ ngày xưa, khi chúng tôi đi học, thậm chí là trước đó nữa cũng tồn tại. Tôi xin kể một câu chuyện mà tôi góp nhặt khi sưu tầm các tư liệu giáo dục của Thủ đô 1.000 năm tuổi. Vào thời phong kiến, một cậu bé mồ côi quê miền xứ Đông (Hưng Yên), mồ côi cha mẹ mà học giỏi. Cậu khăn gói lên kinh thành học nhà một thầy nghè. Cậu học rất giỏi và bị chính con trai thầy nghè ghen ghét. Một hôm, cậu con trai ông nghè đón đường và dọa cậu bé kia, cậu bé sợ quá và không dám đi học. Khi biết chuyện, thầy nghè đã phạt con mình rất nghiêm khắc và sau này, cậu bé mồ côi kia thi đỗ Tiến sĩ.
Ngày nay, chữ bạo lực phải hiểu cho đúng là mức độ học sinh đánh nhau không chỉ dừng lại ở những chuyện học trò mà có tính chất vi phạm pháp luật, thuê người ngoài vào hành hung bạn, hay có tính chất tổ chức rõ ràng. Điều đáng buồn là xu hướng này có quy mô lớn hơn, lan rộng cả về tính chất và mức độ. Khi học sinh phạm lỗi, tất cả chúng ta như không giữ được bình tĩnh và đổ lỗi cho nhau, quy cho nhau trách nhiệm. Điều ấy, theo tôi là chưa đánh giá đầy đủ vấn đề.
Trước hết, bạo lực học đường là câu chuyện động chạm đến vấn đề con người, các bậc phụ huynh đương nhiên sẽ nổi nóng khi con họ bị đánh. Học sinh phạm lỗi, hãy nghiêm khắc phê bình và cảnh cáo trước cộng đồng xung quanh nó, gia đình và trường lớp. Nhiều bậc phụ huynh bênh con, không nhận thức đúng hành vi của con để rồi quy trách nhiệm cho nhà trường và xã hội.
Các nhà chuyên môn và các nhà giáo dục đề cập đến nhiều biện pháp. Vậy việc dùng đạo đức, dùng pháp luật nghiêm... phải chăng sẽ dẹp hẳn được vấn đề bạo lực học đường? Đứng trước nó, tôi có suy nghĩ thế này. Một là chúng ta phải giữ nguyên kỉ luật học đường. Ở nhà trường, học sinh không chỉ học văn hóa mà còn học nhân cách để làm người.
Nhà trường có nội quy của nhà trường, hãy để chính môi trường học đường lên tiếng. Nội quy của nhà trường muốn phát huy tác dụng tốt, nó phải được xây dựng trên thực tiễn của chính xã hội hiện đại, đồng thời nó cũng thể hiện được tinh thần dân chủ khi có tiếng nói của các bậc phụ huynh cùng tham gia. Người thầy không thể đánh học trò, nhưng tại sao các trường học không sử dụng các đội tự vệ, xung kích từ chính các học sinh trong trường để phát hiện và can thiệp. Hai là, mức độ vi phạm của học sinh đến đâu, xử lý nghiêm đến đó.
Nếu có yếu tố can thiệp của bên ngoài là vi phạm pháp luật và pháp luật cần phải nghiêm khắc trừng trị, nếu trong phạm vi nhà trường, hãy để học sinh hiểu được rằng chúng mắc lỗi và bị phạt. Càng đẩy các em ra xa, chúng ta sẽ vô tình đẩy các em đến những con đường còn xấu hơn nữa.
Trong các buổi sinh hoạt của học sinh bây giờ, không biết những kỹ năng sống và kinh nghiệm ứng xử của cuộc sống hằng ngày có được các thầy cô đem ra trao đổi? Ở góc độ khác, khi nhìn thấy học sinh đánh nhau, chứng kiến bạo lực học đường ngay trước mắt, thầy cô có dám đứng ra bênh vực học sinh và can thiệp không? Hay chính thầy cô sẽ bị trả thù? Bị côn đồ đe dọa?
Đừng vội đổ lỗi cho nhà trường, đừng vội đổ lỗi cho xã hội bởi chính chúng ta là những người có lỗi. Tôi nói vậy vì dường như cuộc sống ồn ã và tấp nập đang cuốn mọi người đi quá xa. Chúng ta đầu tư cho con em đi học nhưng những tâm sự và nỗi lo lắng của chúng thì ít có ai lắng nghe. Khi con cái mắc lỗi, phải nhìn nhận trách nhiệm của cha mẹ chúng trước, sau đó là cộng đồng và toàn thể xã hội. Việc làm nghiêm phải được dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ. Nhất thiết điều ấy phải được duy trì.
Bao năm qua, chúng ta hóa ra đã chăm sóc chưa đầy đủ, chưa đầu tư đúng mức những mầm non, những người chưa đến tuổi trưởng thành, những thế hệ của chính đất nước hôm nay về môi trường, về học đường, về luật pháp như chúng ta đã mong đợi, và sản phẩm hôm nay chính là như vậy.
Đừng nhìn học sinh đánh nhau chỉ là đánh nhau. Internet là sản phẩm của xã hội hiện đại, những tiện nghi vật chất là của xã hội tiến lên nhưng mặt trái của nó cũng tràn vào chính các em. Bạo lực học đường gia tăng phản ánh sự khủng hoảng của đời sống xã hội, của đời sống học đường.
Ý thức trách nhiệm và quan tâm đến người khác ở cộng đồng như ngày càng bị triệt tiêu đi, con người dường như vô cảm hơn. Các em đã không được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết, sống chan hòa và nhân ái với con người, với bạn bè như truyền thống nhân ái chính chúng ta lúc nào cũng giảng dạy một cách máy móc.
Điều tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong nội dung giáo dục cho các em, phải cho các em biết chấp hành pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật. Pháp luật là cao nhất, nó khác với đời sống của xã hội con vật, chỉ có kẻ mạnh mới giành chiến thắng, chúng ta sống ở xã hội mà tình yêu thương tồn tại, xã hội mà pháp luật trừng trị kẻ vi phạm thì tại sao không để các em hiểu điều này trong học đường.
Chúng ta không thể biến các em thành thí nghiệm, mà phải xây dựng các em có đầy đủ những kỹ năng sống cho tương lai”.
Ngọc Trìu (ghi)