Chính phủ Bangladesh đã triển khai lực lượng bán quân sự tới 22 quận sau khi căng thẳng tôn giáo và bạo lực bùng phát ở thành phố Cumilla dẫn đến cái chết của 4 người theo đạo Hindu. Cuối tuần, bạo lực bùng phát thêm ở thủ đô Dhaka, cũng như thị trấn Begumganj phía nam, với hai người theo đạo Hindu nữa bị giết.
Các hành vi bạo lực xuất hiện khi các video và cáo buộc lan truyền trên mạng xã hội rằng một cuốn kinh Qur'an (cuốn sách thánh của người Hồi giáo - PV), đã được đặt trên đầu gối của một bức tượng thần Hanuman của đạo Hindu, trong một ngôi đền được dựng lên cho lễ hội thánh Durga của đạo Hindu.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã hứa sẽ có hành động đáp trả nghiêm khắc: “Các sự cố ở Cumilla đang được điều tra kỹ lưỡng. Không ai được tha. Không quan trọng họ thuộc tôn giáo nào. Họ sẽ bị truy lùng và trừng phạt”.
Sau khi đoạn video lan truyền trên Facebook vào đầu tuần này, đám đông gồm hơn 500 người đã tụ tập ở Cumilla và các quận lân cận vì cáo buộc báng bổ. Khoảng 10 ngôi đền và đền thờ Hindu đã bị tấn công và phá hoại. Bốn người theo đạo Hindu đã bị giết, trong đó có một thành viên cấp cao của một ủy ban đạo Hindu đã bị đâm chết.
Ở Cumilla, cảnh sát bắn hơi cay và xả súng vào đám đông. Ít nhất ba người chết tại hiện trường và một người khác sau đó chết vì vết thương của họ. Hàng chục người bị thương, trong đó có một số cảnh sát.
Bạo lực chống Ấn Độ giáo tiếp tục kéo dài đến thứ Sáu và thứ Bảy. Hơn 80 ngôi đền đặc biệt được thiết lập cho lễ hội Durga Puja đã bị tấn công, với khoảng 150 người theo đạo Hindu bị thương và hai người khác thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong các cuộc đụng độ cộng đồng lên sáu người.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo Hindu cáo buộc các cuộc tấn công là một phần của âm mưu tấn công cộng đồng của họ. Người theo đạo Hindu chiếm 10% đất nước đa số theo đạo Hồi.
Vào tháng 8, bốn ngôi đền Hindu đã bị tấn công ở quận Khulna của đất nước và vào tháng 3, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã tấn công các đền thờ Hindu.
Vụ việc hôm thứ Năm đã gây ra sự phẫn nộ ở nước láng giềng Ấn Độ có đa số là người theo đạo Hindu. Người phát ngôn của Chính phủ Ấn Độ, Arindam Bagchi, mô tả vụ việc là "đáng lo ngại" và cho biết các quan chức đang liên lạc với chính quyền Bangladesh về các vụ tấn công này.