Thẻ rút tiền ATM nằm trong dự thảo danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu |
“Thấy các anh đưa ô tô và chung cư vào diện mặt hàng thiết yếu tôi mừng quá vì như thế nghĩa là ở nước ta ai cũng có ô tô, ai cũng có chung cư. Các anh soạn thảo trên quan điểm bảo vệ người giàu, tiền tỷ hay bảo vệ người tiêu dùng còn chưa đủ ăn? Nếu coi bảo hiểm là mặt hàng thiết yếu, nghĩa là dân xếp hàng ùn ùn mua? Thế thì mừng quá, tôi nằm mơ cũng không dám mơ đến điều ấy”,- ông Phùng Đắc Lộc- Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam nói.
Cùng quan điểm với ông Phùng Đắc Lộc, luật sư Trương Thanh Đức- đại diện ngân hàng Maritime Bank cho rằng Tổ soạn thảo dường như mới chỉ nhằm “nắm kẻ có tóc” chứ chưa nhằm vào mục tiêu thật sự là phải quản lý những hợp đồng, giao dịch hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo quy định của Luật.
Dưới góc độ người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông Đức cũng cho rằng đưa dịch vụ thẻ ( ATM, Credit card) vào danh mục là không hợp lý bởi nó cũng không thuộc diện thiết yếu. Hơn nữa, thẻ ngân hàng chỉ là một trong những phương tiện thanh toán, chỉ là biểu hiện bên ngoài của dịch vụ thanh toán, của nghiệp vụ cho vay kèm theo dịch vụ thanh toán, trên thực tế còn có nhiều hình thức thanh toán khác cũng liên quan không kém tới người tiêu dùng.
Hiệp hội bảo hiểm cũng phản đối việc đưa sản phẩm bảo hiểm vào danh mục |
Ông Phan Đào Vũ- đại diện Bảo Việt Bank cũng cho rằng dịch vụ thanh toán thẻ không phải dịch vụ độc quyền, cũng không phải loại không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Hơn thế, nếu đưa vào danh mục thì doanh nghiệp sẽ phải tham gia vào một thủ tục hành chính mới, chi phí cho việc rà soát, đăng ký hợp đồng mẫu và ký lại hợp đồng có thể là rất lớn.
Ông Phan Vũ Anh- đại diện cho Vinaonex cũng băn khoăn với việc Tổ soạn thảo đưa dịch vụ quản lý khu đô thị, chung cư, mua bán nhà, căn hộ mới vào danh mục. Ông Phan Vũ Anh cho rằng với một số dịch vụ hay sản phẩm như nhà chung cư thì còn tùy thuộc vào thị trường để xác định có việc các doanh nghiệp lấy vị thế độc quyền để ép khách hàng hay không. “Vừa qua khi thị trường chung cư ế ấm thì nhiều chủ đầu tư đã phải chấp nhận đàm phán với khách hàng chứ không thể đưa ra những điều kiện áp đặt như lúc chung cư cao giá”, ông Phan Vũ Anh nhận định.
Quản theo tiêu chí chứ không nên quản theo…cảm tính
Việc đại diện các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ “bị” đưa vào danh mục để đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không muốn bị “quản” không quá khó hiểu vì điều này đụng chạm tới các nhóm lợi ích này. Hơn nữa, tiêu chí mà Tổ soạn thảo đưa ra cũng chưa hẳn phù hợp cho dù nhìn bề ngoài, nhìn hiện tượng thì có thể thấy cả 15 mặt hàng hóa, dịch vụ “bị” đưa vào danh mục đều là những mặt hàng, dịch vụ có “điều tiếng”, từng gây bức xúc cho người tiêu dùng do trong quan hệ giao dịch với các mặt hàng, dịch vụ này, cái thiệt thường bị đẩy cho người tiêu dùng.
Ông Bạch Văn Mừng- Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh ( Bộ Công Thương) cho biết, thực tiễn công tác bảo vệ người tiêu dùng cho thấy đối với những hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung do tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương soạn thảo và áp dụng đối với người tiêu dùng thì người tiêu dùng không có cơ hội đàm phán, thỏa thuận về nội dung do đó khi áp dụng người tiêu dùng bị rơi vào thế yếu so với người cung cấp dịch vụ, hàng hóa đó. Thậm chí có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng việc này để quy định những điều khoản chung chung, khó hiểu, tránh rủi ro, trái với quy định của pháp luật. Do vậy, việc quy định phải kiểm soát hợp đồng theo mẫu, diều kiện giao dịch chung chính là nhằm để khắc phục tình trạng này, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và việc đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp được xem là khâu then chốt để Danh mục này được thực thi hiệu quả, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Trước những ý kiến trái chiều về 4 tiêu chí mà Tổ soạn thảo đưa ra để xác định loại hàng hóa, dịch vụ nào cần đưa vào danh mục, ông Bạch Văn Mừng cho biết sẽ tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa theo nguyên tắc sẽ "quản theo tiêu chí chứ không cảm tính". Danh mục hàng hóa, dịch vụ cần phải đăng ký cũng sẽ không quá mở rộng mà làm có "lộ trình", phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc bổ sung những chế tài nghiêm khắc để kiểm tra, giám sát quy định này trong thực tế cũng cần được chú trọng tránh tình trạng văn bản ban hành xong người tiêu dùng rất vui sướng nhưng khi thực thi thì họ lại nản lòng.
Danh mục (dự thảo) hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung gồm : Mua, bán ô tô mới; Mua bán nhà, căn hộ mới, Dịch vụ quản lý khu đô thị, khu chung cư, Dịch vụ cung cấp điện sinh hoạt, Dịch vụ cung cấp nước sạnh sinh hoạt, Dịch vụ truyền hình trả tiền, Dịch vụ thẻ sử dụng máy rút tiền tự động ( ATM), Dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, Dịch vụ bảo hiểm nhân thọ, Dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, Dịch vụ thuê bao điện thoại cố định, Dịch vụ thuê bao điện thoại di động trả sau, Dịch vụ truy cập Internet, Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không, Dịch vụ vận chuyển hành khách đường sắt. |
Anh Phương