Hạt nhỏ, vấn đề lớn
Cuối tháng 11/2018, dư luận thế giới xôn xao trước thông tin trong dạ dày xác một chú cá voi chứa 6kg chai lọ, túi, dép xăng đan, 115 chiếc cốc nhựa và một bao tải đựng hơn 1.000 mảnh nhựa được phát hiện ở vùng biển gần đảo Kapota thuộc Công viên Quốc gia Wakatobi, ở Đông Nam đảo Sulawesi của Indonesia. Đây là công viên khá nổi tiếng, thu hút nhiều thợ lặn vì có hệ sinh vật biển đa dạng và rạn san hô lớn. Vụ việc một lần nữa khiến dư luận chú ý về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển thời gian gần đây.
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, mỗi năm, lượng rác thải nhựa thải ra trên khắp thế giới đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại rất nhiều dưới đáy đại dương và trở thành thức ăn đầu độc các loại sinh vật biển. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa trên đại dương thậm chí còn có thể lớn hơn tổng trọng lượng của các loài cá. Rác thải nhựa đã khiến cho sinh kế của các ngư dân đánh bắt quy mô nhỏ ở ven biển bị đe dọa rất nghiêm trọng.
Trong đó, tại Đối thoại biển lần thứ 4 với chủ đề “Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông”, do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam tổ chức hôm giữa tuần, Giáo sư Carmen Ablan Lagman đến từ Đại học De La Salle của Philippines cho biết, mối đe dọa lớn nhất trong vấn đề rác thải nhựa là đe dọa từ các loại vi nhựa - là những hạt nhựa với kích thước rất nhỏ, chỉ dưới 5mm mà con người không nhìn thấy được bằng mắt thường. Bà Lagman cho hay, hiện nay, các ngành công nghiệp như hóa mỹ phẩm để thay thế các loại chất tẩy rửa tự nhiên; các công nghệ sử dụng những hóa chất như acrylic, melamine sử dụng trong việc sản xuất máy móc, động cơ… chính là nguồn phát thải vi nhựa lớn nhất và trực tiếp.
Ngoài ra, cũng có những nguồn phát thải vi nhựa thứ cấp các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, chai pet nhựa, ống hút dùng một lần... Các chất thải nhựa có kích thước lớn hơn này dần bị phân hủy cũng tạo thành các hạt vi nhựa. Theo Giáo sư Carmen Ablan Lagman, chất thải nhựa với nhiều hình thức đa dạng và tồn tại ít nhất 100 năm. Các chất hóa dẻo, chất chống cháy có trong chất thải nhựa, khi phân rã có thể hòa tan vào không khí, nước, xuất hiện trong cơ thể con người và tạo ra các hormon vô cùng độc hại cho con người. Theo bà Lagman, có những nghiên cứu cho thấy 94% nguồn nước mà hiện chúng ta đang sử dụng có chứa những sợi nhựa và những sợi nhựa này khi đi vào nguồn nước không được bóc tách ra và vì thế chúng sẽ đi vào cơ thể con người.
Mới đây, các nhà khoa học dựa trên việc xét nghiệm mẫu chất thải của người tình nguyện tại châu Âu, Nhật Bản và Nga phát hiện tổng cộng 9 loại hạt vi nhựa trong cơ thể người, trong đó phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường được sử dụng trong các loại bao bì đồ ăn, thức uống. Theo các nhà khoa học, các hạt vi nhựa này có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí là gan của con người, gây mất cân bằng hormone, kéo theo đó là nguy cơ mắc hàng loạt những căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác…
Theo một nghiên cứu ở châu Âu, trung bình một công dân châu Âu mỗi năm đưa vào cơ thể theo thực phẩm 11.000 mảnh vi nhựa. Từ kết quả xét nghiệm, các tác giả báo cáo ước tính có đến hơn 50% dân số thế giới có thể có các hạt vi nhựa trong chất thải.
Tại khu vực Đông Nam Á, theo Giáo sư Lagman, các hạt vi nhựa hiện đã trở thành vấn nạn vì tỉ lệ ô nhiễm chất thải nhựa ở khu vực của chúng ta hiện nay đang cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. “Vì vậy, tại khu vực này, chúng ta đang ngày càng phải lo ngại hơn về khả năng các vi nhựa xâm nhập vào cơ thể qua những con đường khác nhau.
Ví dụ, các loài sinh vật biển vốn thân thuộc với chúng ta như cá vì không phân biệt được vi nhựa với thức ăn nên đã hấp thụ vi nhựa vào cơ thể. Trong bối cảnh các nước ở khu vực không chỉ đánh bắt được nhiều cá mà còn ăn nhiều cá, tiêu thụ hải sản nhiều gấp 3 ở các khu vực khác, vấn đề phát thải nhựa thực sự là báo động đỏ với các quốc gia trong khu vực”, vị Giáo sư nhấn mạnh.
Cần sự chung tay đối phó
Theo một báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), năm 2012 các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. Chỉ 1 năm sau đó, con số đã lên hơn hàng chục nghìn tấn. Theo Giáo sư Lagman, các loại chất thải nhựa rất đa dạng, có thể tồn tại ít nhất 100 năm. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần có hành động cụ thể nhằm xử lý việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các ngành công nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp sản sinh nhiều vi nhựa gây ô nhiễm môi trường cũng cần hợp tác với chính phủ cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Chia sẻ kinh nghiệm của Philippines, Giáo sư Lagman cho biết, nước này đã phải đóng cửa bãi biển Boracay - một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới vì tình trạng rác thải nhựa. Một số địa phương của nước này cũng đã có chính sách cấm sử dụng túi nilon khi đi siêu thị nhằm hạn chế sử dụng phát thải từ nguồn. Tuy nhiên, bà Lagman cho rằng các nước cần chia sẻ các công nghệ xử lý rác thải, đặc biệt là công nghệ tái chế để cải thiện vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Chu Hồi – Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hiện đang là thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn đại dương toàn cầu, tổ chức phi chính phủ được Liên Hợp quốc bảo trợ, Biển Đông là một trong những khu vực có lượng rác thải nhựa lớn trên thế giới. Trong khi đó, do vấn đề xuyên biên giới của động lực học, hoàn lưu dòng chảy Biển Đông biến đổi theo mùa cộng với việc vật liệu nhựa thường nhẹ và rất dễ di chuyển trong điều kiện động lực học mạnh ở khu vực, tác động của vấn đề rác thải nhựa ở một nước có thể ảnh hưởng đến nước khác rất nhanh. Do đó, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề này không chỉ là nguyên tắc chung mà còn là thực tiễn hết sức cấp thiết hiện nay.
Trong bối cảnh Biển Đông là vùng biển đang có những yếu tố khó lường, tranh chấp chủ quyền, ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng việc tăng cường hợp tác thông qua các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa cũng tạo dựng được lòng tin, thể hiện những dấu hiệu về thiện chí chính trị trong việc giải quyết những vấn đề còn lại ở Biển Đông. Về giải pháp, theo ông Hồi, việc xử lý rác thải nhựa là vấn đề rất lớn vì việc đầu tư để nghiên cứu và xử lý các vấn đề trên biển nói chung ở góc độ kinh tế lớn khác hẳn trên đất liền. Vì vậy, việc hợp tác cần phải đi từng bước, trước hết có thể là chia sẻ những bài học kinh nghiệm. Vì khoảng từ 40 đến 70% rác thải nhựa trên biển là từ đất liền nên việc ngăn chặn từ nguồn là rất quan trọng.
“Tất cả các nước đều phải có trách nhiệm trong việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra vùng cửa sông ven biển và cuối cùng đổ ra biển. Bên cạnh đó, các nước cần hợp tác với nhau để thu gom, xử lý, phân loại, tất cả các rác thải nhựa ở trên biển. “Có thể nói rằng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thì tất cả các nước đều cùng phải giải quyết vấn đề này trong đó có các nước trong khu vực”, ông Hồi nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm của Indonesia, ông Gilang Kembara đến từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho biết, chính quyền đảo du lịch Bali - một trong những địa điểm ô nhiễm nhất của Indonesia - đã ban hành quy định từ năm 2019 sẽ cấm sử dụng dùng sản phẩm nhựa dùng một lần. Ông Gilang Kembara cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức người dân đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương, việc sử dụng các sản phẩm nhựa hàng ngày...
Khẳng định rác thải nhựa đại dương là một vấn đề toàn cầu, Tiến sỹ Julyus Melvin Mobilik - Bộ Biển Malaysia - cho rằng, việc xử lý vấn đề này cần được phối hợp, thực hiện các biện pháp chung. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nước phải có phương án thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, cốc, ống hút... Tiến sỹ Julyus Melvin Mobilik cũng cho rằng, các công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa tiên tiến, hiện đại có thể giúp rút ngắn thời gian tồn tại của rác thải nhựa. Do đó, các nước cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những công nghệ này.