Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190mm; Hoài Ân (Bình Định) 170mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230mm;…Tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.
Hồi 18 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.
Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 24 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Nam-Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.
Do ảnh hưởng bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh.
Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngoài ra, từ hôm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do ảnh hưởng của bão, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ hôm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Nhiều tuyến đường bị ngập nặng |
Ghi nhận tại Đà Nẵng, mặc dù áp thấp nhiệt đới chưa đổ bộ vào đất liền nhưng từ đêm 11, ngày 12/9, đã xuất hiện những đợt mưa lớn gây ngập tại các tuyến đường chính như Quang Trung, Đống Đa, Hà Huy Tập, Hoàng Diêu, Lê Duẩn…
Những trận mưa lớn liên tiếp lại xảy ra vào giờ tan tầm nên khiến nhiều học sinh, nhân viên công sở... gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham gia giao thông. Theo đánh giá của nhiều người, ngoài lý do mưa lớn, những đơn vị trong quá trình thi công các công trình thoát nước ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành trước mùa mưa bão, khiến nước không có nơi thoát kịp, gây nên tình trạng ngập nặng.
Để đề phòng rủi ro do thiên tai gây ra, chiều ngày 12/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng đã có công văn gửi các trường thông báo về việc cho học sinh các cấp nghỉ học vào ngày 13/9; tùy diễn biến thực tế sau bão, các trường sẽ có thông báo nghỉ thêm.
Về tình hình tàu thuyền, báo cáo của Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên nêu, đã có hơn 7.000 tàu thuyền cùng hơn 45.000 ngư dân đang hoạt động trên biển được thông báo về vị trí, hướng đi của bão để tìm cách phòng tránh. Hiện, chưa có ghi nhận về thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra tại các tỉnh duyên hải miền Trung.