Bàn tròn trực tuyến: “Xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội liên quan đến dịch COVID-19”

Bàn tròn trực tuyến: “Xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội liên quan đến dịch COVID-19”
(PLVN) -  Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.  Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội, các luật sư, chuyên gia pháp luật tại các điểm cầu đã cùng PV báo PLVN trao đổi về vấn đề Xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội liên quan đến dịch COVID-19” 

Tham gia Bàn tròn trực tuyến  với Báo PLVN có: Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội; Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh; Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Hãng luật TGS; Luật sư Phạm Thị Thanh Phương – Đoàn Luật sư Hà Nội. 

*  Thưa các luật sư và các chuyên gia pháp luật, chúng ta đã có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ luật hình sự, trong đó quy định các tội danh liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. Vậy tại sao ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) lại phải ban hành văn bản hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid? Các ông, bà đánh giá thế nào về việc ban hành công văn này trong thời điểm hiện nay?

- TS. Nguyễn Thị Lan: Cá nhân tôi cho rằng trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc ban hành văn bản nêu trên là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống lại những hành vi nguy hiểm cho xã hội dẫn đến hậu quả làm gia tăng tình hình lây nhiễm hoặc làm giảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tác hại của dịch bệnh Covid-19 ai cũng biết và trên thế giới cũng đã có rất nhiều ví dụ minh thị rõ ràng về những thiệt hại mà nó có thể gây ra. Việt Nam đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh là nhờ có sự quyết tâm và những hành động quyết liệt của Nhà nước kết hợp với sự tin tưởng, đoàn kết và quyết chí của nhân dân. Bất cứ chủ thể nào thực hiện hành vi tiêu cực, đi ngược với tinh thần đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh đều là hành vi chống lại lợi ích chung của xã hội và của Nhà nước. Nếu tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi là đáng kể cho xã hội thì chủ thể có thể bị lý hình sự theo quy định. 

Tuy nhiên, trong thực tế thì các loại hành vi nguy hiểm liên quan đến phòng chống Covid-19 lại có thể xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau (quan hệ sở hữu; trật tự quản lý kinh tế; trật tự, an toàn công cộng…), nên căn cứ pháp lý để xử lý hình sự sẽ nằm rải rác đâu đó trong Bộ luật hình sự. Nói cách khác, tội phạm xâm hại đến các khách thể khác nhau thì sẽ được quy định trong các chương khác nhau trong Bộ luật hình sự. Vì vậy, việc ban hành một văn bản tập trung hướng dẫn xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19 sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật một cách thống nhất, thuận tiện, để từ đó có thể đấu tranh tích cực và hiệu quả đối với nhóm tội phạm này. 

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản này cũng có tác dụng nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, góp phần phòng ngừa hiệu quả hơn đối với nhóm tội phạm này và góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoàn cảnh hiện nay.

-TS. LS Lê Ngọc Khánh: Thời gian vừa qua, khi cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh thì đã có không ít những cá nhân có hành vi thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của bản thân của của toàn xã hội. Dư luận cũng tỏ thái độ bức xúc khi chế tài cho những hành vi nguy hiểm này chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền tương đối thấp so với hậu quả có thể xảy ra từ những hành vi trên. 

Ngày 30/3/2020 HĐTP TANDTC đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid, thể hiện được sự nghiêm khắc của pháp luật đối với những hành vi phạm tội, đồng thời răn đe những người khác không lặp lại hành vi tương tự. Tuy công văn số 45/TANDTC-PC ra đời sau khi dư luận bức xúc nhưng cũng không phải là muộn khi cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn đang khốc liệt.

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội. 

- LS Phạm Thị Thanh Phương: Tôi cũng cho rằng, hướng dẫn của HĐTP TANDTC trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, kịp thời, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong tình hình khẩn cấp hiện nay. 

Chúng ta đã có Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, đã có Bộ luật hình sự quy định các tội danh liên quan đến việc làm lây lan dịch bệnh. HĐTP TANDTC ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 nhằm hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thống nhất áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến, điển hình có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và phát triển với quy mô lớn, phức tạp, hoàn toàn chưa có các biện pháp điều trị nên tỷ lệ lây lan và tử vong lớn, từ đó dẫn đến xuất hiện các hành vi phạm tội liên quan trong phòng chống dịch bệnh này với sự đa dạng và phức tạp cần có sự hướng dẫn cụ thể và thống nhất trong áp dụng pháp luật hình sự để xử lý.

* Thưa Luật sư Thanh Phương, hầu như các lĩnh vực đều có luật chuyên ngành, như Bộ luật lao động, Luật hôn nhân gia đình, Luật xử lý vi phạm hành chính....,  nhưng cũng có Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự bao gồm các hành vi được quy định trong các lĩnh vực. Vậy xin hỏi, khi nào thì một hành vi vi phạm xử lý bằng chính quy định của luật chuyên ngành, khi nào áp dụng xử lý hành chính, và khi nào xử lý bằng quy định của Luật hình sự? 

- LS Phạm Thị Thanh Phương: Tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh các hành vi xử sự trong lĩnh vực đó. Khi xuất hiện các hành vi vi phạm các quy định pháp luật nói chung và các quy định pháp luật chuyên ngành nói riêng, pháp luật có xây dựng hệ thống các chế tài, các biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật đó. Các biện pháp chế tài bao gồm biện pháp xử lý vi phạm hành chính và biện pháp xử lý hình sự. 

Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật chưa đến mức nghiêm trọng theo các quy định của Bộ luật hình sự thì áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để xử lý. Các biện pháp xử lý hành chính được quy định trọng Luật xử lý vi phạm hành chính và có thể được quy định chi tiết trong các văn bản pháp luật của luật chuyên ngành. Nếu hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu đủ cấu thành hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự để xử lý.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống Covid-19,
 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống Covid-19,

*Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND TC, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Thưa các luật sư, chuyên gia, các ông, bà có thể phân tích rõ hơn về quy định này không?

-TS. LS Lê Ngọc Khánh: Điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Tuy nhiên, theo quy định của điều luật này thì dịch bệnh chi được hiểu một cách chung chung. Luật không quy đinh rõ là loại dịch bệnh nào. Ngoài ra, Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. 

Thực tế, tại mỗi thời điểm khác nhau có thể xuất hiện một loại virut khác nhau gây bệnh và khiến việc truyền nhiễm cũng khó khăn hơn. Đơn cử như các đại dịch trước đây ở Việt Nam. Trong lịch sử nước ta, đã có đại dịch chỉ trong vòng 2 năm 1849- 1850 khiến 590 nghìn người chết hay dịch tả dưới thời triều đình nhà Nguyễn đã cướp đi hơn 206 nghìn người trong khi dân số chỉ khoảng 7 triệu người (trong đó có đại thi hào Nguyễn Du). Hậu quả dẫn đến thiệt hại vô cùng nghiêm trong cả về người và tài sản. 

Hiện tại thì chúng ta cũng như toàn Thế giới đang phải đương đầu với đại dịch viêm phổi có tên là Covid-19. Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và kiểm soát được dịch bệnh cũng như dập tắt được nó thì Chính phủ mỗi quốc gia có những biện pháp khác nhau. Do vậy, Điều 240 Bộ luật hình sự chỉ quy định chung chung về dịch bệnh, còn đối với từng loại dịch bệnh cụ thể thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có những văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế, việc này cũng tránh được pháp luật không bắt kịp xã hội mà phải sửa đổi luật. 

Đối với đại dịch Covid-19, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS quy định các hành vi khác bao gồm: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ các quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. 

Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. 

* Trong các hành vi mà ông/bà vừa phân tích nói trên, có hành vi Khai báo y tế gian dối. Điều này làm tôi nhớ đến tình huống của BN 17 – cô này đã khai báo gian dối về dịch tễ của mình dẫn đến việc không cách ly kịp thời, thăm khám không đúng quy trình phòng dịch đối với dịch bệnh này và lây nhiễm cho người khác, gây nguy cơ cho cộng đồng. Hoặc trường hợp BN 178 cũng khai báo y tế không chính xác ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các ông bà có thể bình luận gì về tình huống cụ thể nói trên?

- TS. LS Lê Ngọc Khánh: Như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 có những tác động tiêu cực vô cùng to lớn đến từng cá nhân, hộ gia đình và toàn thể đất nước cũng như toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây tê liệt các hoạt động bình thường mà nó còn cướp đi hàng ngàn sinh mạng con người. Vì thế, mỗi quốc gia đều có những biện pháp nhằm làm giảm sự lây lan, truyền nhiễm của dịch bệnh Covid-19 cũng như các biện pháp phát hiện và cứu chữa kịp thời những người nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Một trong các hoạt động của Chính phủ trong việc phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 là khai báo y tế đối với những người ở vùng dịch hoặc trở về từ vùng có dịch. Việc khai báo này giúp cơ quan nhà nước có thể phát hiện sớm hơn những người nghi nhiễm bệnh hoặc những người nhiễm bệnh, từ đó có những biện pháp phù hợp để xử lý. 

Bên cạnh việc đo thân nhiệt bắt buộc thì việc khai báo y tế lại dựa vào ý thức chủ quan của người khai báo nhiều hơn. Hành vi khai báo không trung thực của BN 17 và BN 178 vừa qua, đã khiến dư luận xã hội rất bất bình. Theo tôi được biết thì 2 bệnh nhân này đều là người có học thức; hành vi khai báo y tế không trung thực của họ thể hiện sự vô ý thức, lỗi của hai bệnh nhân này là cố ý.

BN 17 và BN 178 khai báo y tế gian dối sẽ khiến cho cơ quan nhà nước khó xác định được những ai nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh, từ đó dẫn đến nguy cơ lây lan theo cấp số nhân ngoài cộng đồng, khó kiểm soát nổi. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Chính phủ và nhân dân cả nước, gây nên những tác động tiêu cực vào các mặt đời sống kinh tế - xã hội. Như vậy có thể thấy, chỉ từ một hành động không trung thực khi khai báo y tế có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

- LS Phạm Thị Thanh Phương: Tại Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC 2020 xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống Covid-19, nêu: “Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: - Trốn khỏi nơi cách ly; - Không tuân thủ quy định về cách ly; - Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; - Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp BN số 17 và số 178 không thực hiện việc khai báo y tế gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điểm c Khoản 1 Điều 204 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Phạm Thị Thanh Phương - Đoàn Luật sư Hà Nội.
 Luật sư Phạm Thị Thanh Phương - Đoàn Luật sư Hà Nội.

*Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, không ít trường hợp đã tự tiện bỏ trốn khỏi khu vực cách ly, ví dụ như trường hợp thanh niên ở Sơn Lôi bỏ trốn khỏi địa phương trong thời gian cách ly để lên Lai Châu thăm nhà bạn gái, hoặc 2 trường hợp trốn khỏi khu cách ly cuối tuần vừa rồi. 

Pháp luật hình sự có quy định xử lý cách hành vi nói trên hay không, thưa các ông, bà? Cụ thể như thế nào?

- TS. LS Lê Ngọc Khánh: Trong xã hội hiện đại và không ngừng phát triển như hiện nay, để ổn định tình hình xã hội thì nhà nước luôn có những biện pháp giúp xã hội ổn định và đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Đối với những cá nhân có hành vi tốt, tạo ra thành quả lao động có ích thì được nhà nước khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, những hành vi dẫn đến xâm phạm sức khỏe, tính mạng hay tài sản của người khác đều phải trả giá thích đáng. Những hành vi vi phạm bị xử lý các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định tại Bộ luật Hình sự.

Hành vi trốn khỏi nơi cách ly y tế để đến thăm nhà bạn gái của thanh niên ở Sơn Lôi là vi phạm pháp luật. Do thanh niên này cho đến nay có kết quả âm tính với virut Covid-19 nên sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 176/2013 với mức phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng và buộc phải cách ly y tế. Tuy nhiên, những hành vi như thanh niên ở Sơn Lôi lặp lại thì hình thức xử lý sẽ khác và nghiêm khắc hơn.

Ngày 30/3/2020, HĐTP TANDTC đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại điểm a tiểu mục 1.1, Mục 1 của công văn hướng dẫn hành vi trốn khỏi nơi cách ly được coi là hành vi khác được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS.

Như vậy, người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly y tế có thể bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải cách ly y tế hoặc cưỡng chế cách ly y tế.

Hà Nội đã cách ly một đoạn phố để hạn chế lây lan Covid-19.
  Hà Nội đã cách ly một đoạn phố để hạn chế lây lan Covid-19. 

*Bên cạnh cuộc chiến chống virus corona, còn có một cuộc chiến chống virus tin giả, còn gọi là Fake news. Cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý hàng trăm trường hợp đưa tin giả, và mới đây, cơ quan công an cũng đã xử lý một KOL – người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – về hành vi này.

Vậy, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý hình sự như thế nào, thưa ông/bà?

-Luật sư Phạm Thị Thanh Phương: Theo hướng dẫn của Công văn số 45/TANDTC-PC nói trên thì người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.

- TS. Nguyễn Thị Lan: Sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng năm 2018. Đây được coi là hành vi trái với quy định của Luật an ninh mạng. 

Mặt khác hành vi "Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân" lại hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đồng thời có thêm dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự. 

Do vậy, nếu người nào đó có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý về tội phạm theo quy định của điểm e khoản 2 Điều 288 Bộ luật hình sự hiện hành.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Giảng viên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - Giảng viên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- LS Nguyễn Văn Tuấn: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng, hành vi thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng gây hoang mang dư luận, làm thiệt hại kinh tế thì người đăng tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP chưa đủ tính chất răn đe đối với người dân, mặc dù thời gian qua đã không ít trường hợp bị xử lý hành chính về việc đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận xã hội. Tại Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, phòng chống dịch Covid-19, HĐTP TANDTC hướng dẫn rõ, người nào có hành vi đưa đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự. 

Mức chế tài xử lý hình sự là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không gian giữ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Trên thực tế, có nhiều người rất quan tâm tới các thông tin xung quanh dịch bệnh Covid-19, ai là F gì, lịch sử dịch tễ của người đó ra sao, thậm chí người đó là ai, bạn bè thế nào, sở thích ra sao… cũng đều có thể được “truy lùng”. Ông/bà có lưu ý gì với bạn đọc, và cả những người viết báo, về những quy định pháp luật liên quan và trách nhiệm hình sự mà người đó có thể đối mặt hay không?

-LS Phạm Thị Thanh Phương: Trên thực tế đã xảy ra trường hợp trong dư luận xã hội, đặc biệt trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đến người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm Covid-19 bao gồm cả những thông tin về đời tư, bí mật cá nhân của người đó. Các thông tin này chưa được kiểm chứng, không xác định được nguồn gốc đưa tin và được lan truyền với tốc độ và quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận xã hội và đời tư của bản thân cá nhân người bị đưa tin. Vì vậy, cần lưu ý một số hành vi vi phạm pháp luật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự:

Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.

-TS. Nguyễn Thị Lan: Hiến pháp Việt Nam năm 2013 công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (khoản 1 Điều 14 và Điều 21). Hành vi xúc phạm một cách nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó là một hành vi bị cấm trong luật hình sự Việt Nam theo quy định của Điều 155 Bộ luật hình sự. 

Vì thế, ai đó "truy lùng" thông tin cá nhân của bệnh nhân Covid-19 và những người nghi nhiễm, người tiếp xúc F1, F2… rồi đưa lên trên báo, trên mạng xã hội để bình luận, soi xét có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định của Điều 155 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng mà công bố thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của cá nhân thì có thể không phải là vi phạm pháp luật, vì trong những trường hợp này, quyền con người sẽ có thể bị hạn chế theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Tôi cho rằng các thông tin nên trên rất đáng để bạn đọc và người viết báo lưu ý trong việc bình luận hoặc đưa tin liên quan đến đời sống riêng tư của người khác.

-LS. Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi, trong khi các nội dung thông tin xung quanh dịch bệnh Covid-19 đang được nhiều người dan và xã hội quan tâm, thì mọi chi tiết lịch sử dịch tễ của người bị nghi nhiễm Covid-19 hoặc đã bị dương tính với Covid-19 cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tuy nhiên, tôi có một số lưu ý với bạn đọc và những người viết báo về những quy định pháp luật có liên quan đến trách nhiệm hình sự mà bạn đọc hoặc là những người viết báo có thể sẽ đối mặt khi đưa ra các thông tin liên quan đến bí mật đời tư riêng của cá nhân làm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm của người bị nghi nhiễm hoặc bị nhiễm bệnh. Đời tư và bí mật đời tư là quyền nhân thân gắn liền với mỗi công dân được pháp luật bảo vệ và bất khả xâm phạm. 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền được bảo đảm an toàn đối với thông tin về đời sống riêng tư.

Với tính chất đặc thù của nghề nghiệp, báo chí là lĩnh vực có liên quan nhiều nhất đến bí mật đời tư cá nhân, đồng thời cũng là lĩnh vực mà người làm báo muốn tìm hiểu bí mật đời tư cá nhân, khi họ muốn có một bài báo “giật gân”, “nổi”, thu hút dư luận chú ý. 

Khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn Luật báo chí quy định:“Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án”.

Như vậy, có thể thấy rằng, quyền bí mật đời tư của mỗi cá nhân là quyền nhân thân “thiêng liêng”, được pháp luật bảo vệ tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Do đó, đối với bạn đọc và cả những người viết báo cần phải lưu ý đặc biệt đến bí mật đời tư, thông tin, cá nhân có thể xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người đó. 

Tại điểm 1.5 Mục 1 Công văn số 45/TANDTC-PC của HĐTP TANDTC cũng hướng dẫn rõ: hành vi đưa thông tin trái phép về thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh dịch Covid-19, người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự với mức hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội.
  Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội.

* Theo hướng dẫn của HĐTP TAND TC, người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm  nghiêm trọng nhân phẩm, danh sự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.

Xin hỏi các ông bà, pháp luật hình sự quy định thế nào là "xúc phạm nghiêm trọng"?

-LS.Phạm Thị Thanh Phương: Việc đánh giá việc xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó.

Trong trường hợp hành vi bằng lời nói, văn bản chứa đựng các thông tin mang tính chất sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách, danh dự, với tính chất là hạ thấp nhân cách, danh dự của người khác, đồng thời làm cho người đó cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác, thì hành vi đó có thể coi là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.

-TS.Nguyễn Thị Lan: "Xúc phạm nghiêm trọng" là một tình tiết định tính chưa được lượng hoá trong Bộ luật hình sự nên rất khó xác định. Theo tôi được biết thì pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật thì xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác có thể được hiểu là hành vi hạ thấp và chà đạp danh dự của nạn nhân với sự chứng kiến của rất nhiều người, ví dụ như bôi nhọ, bêu riếu, lăng mạ, chửi bới thậm tệ trên mạng xã hội; lột quần, lột áo giữa nơi đông người, phát tán hình ảnh hoặc những thông tin nhạy cảm đến nhiều nơi, nhiều người… khiến nạn nhân cảm thấy nhục nhã vô cùng.

Kê khai y tế ở Sân bay quốc tế Nội Bài.
 Kê khai y tế ở Sân bay quốc tế Nội Bài.

*Có một nhóm hành vi cũng rất được dư luận quan tâm liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đó là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua/bán thuốc, vật tư y tế thu lợi bất chính. Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp như các cửa hiệu bán khẩu trang, bán nước rửa tay giá cao hay bán thẻ ngừa virus giả.

Ông bà có thể phân tích trách nhiệm hình sự mà người vi phạm hành vi này có thể phải chịu?

-LS Giang Hồng Thanh: Hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua/bán thuốc, vật tư y tế thu lợi bất chính, chẳng hạn như găm hàng hóa, đầu cơ hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc vào giá trị hàng hóa.

Trong trường hợp bị xử phạt hành chính về hành vi đầu cơ hàng hóa, người vi phạm sẽ bị áp dụng Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 với mức phạt như sau: “1. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu  đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

3. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

4. Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.

5. Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên.”

Đối với hành vi găm hàng, người vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47, cụ thể: “1. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

a) Cắt giảm địa điểm bán hàng;

b) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó;

c) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó;

d) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

2. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 46 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng:

a) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;

b) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;

c) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;

d) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng.”

Nếu việc đầu cơ hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá mà trị giá mặt hàng đó từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, người đầu cơ có thể bị xử lý hình sự về tội “Đầu cơ” theo Điều 196 Bộ luật hình sự. Hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Giá trị hàng hóa càng cao hoặc thu lời bất chính càng lớn thì hình phạt càng nặng, có thể lên đến tối đa 15 năm tù.

Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.
 Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.

* Thế còn hành vi đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước CHXHCN Việt Nam nhằm thu lợi bất chính thì bị xử lý như thế nào, thưa ông?

- LS Giang Hồng Thanh: Hành vi đưa trái phép thuốc, vật tư y tế  dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước CHXHCN Việt Nam nhằm thu lợi bất chính có thể bị xử lý hình sự về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật hình sự. Điều luật quy định như sau: “1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”

Trị giá hàng hóa phạm pháp hoặc tiền thu lời bất chính càng cao thì mức hình phạt càng tăng, cao nhất có thể lên đến 20 năm tù.

*Đâu là các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhé cần lưu ý trong xử lý hình sự các hành vi phạm tội liên quan đến dịch Covid-19, thưa các ông, bà?

- Luật sư Phạm Thị Thanh Phương: Trong xử lý hình sự các hành vi phạm tội liên quan đến dịch Covid-19, cần lưu ý hình phạt nghiêm khắc có thể sẽ được áp dụng đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh cho từ 02 người trở lên, làm chết người, gây thiệt hại về kinh tế với giá trị lớn ...)

* Liên quan đến việc chống Covid-19, ngày 31/3 HĐTP TAND TC mới có Công văn số 45 hướng dẫn. Vậy những hành vi xảy ra trước thời điểm này (hành vi khai báo gian dối, hành vi trốn cách ly...) có áp dụng hướng dẫn này để xử lý không, hay áp dụng quy định pháp luật nào? Các ông bà có thể bình luận về ý nghĩa của văn bản này không?

-TS.Nguyễn Thị Lan: Bất cứ tội phạm nào được thực hiện tại thời điểm mà Bộ luật hình sự có hiệu lực thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật đó. 

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã phát sinh hiệu lực chính thức kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Các tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19 mới chỉ xuất hiện từ cuối năm 2019 đến nay nên đều có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự này.

Công văn số 45 chỉ là văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chứ không phải văn bản quy định tội phạm và hình phạt. Nghĩa là các quy định về tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19 nói riêng vốn dĩ đã tồn tại từ trước khi có Công văn này - trên cơ sở các điều luật cụ thể của Bộ luật hình sự hiện hành. 

Việc sử dụng thuật ngữ "các tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19" là cách diễn đạt mang tính chất khái quát để chỉ rõ: cùng liên quan đến Covid-19 nhưng hành vi nào nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gì. Thực chất trong BLHS không quy định tên tội hay tên nhóm tội nào là "tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19" cả. Tuy nhiên như tôi đã đề cập ở trên, trên thực tế những hành vi nguy hiểm liên quan đến phòng, chống Covid-19 nhưng lại trực tiếp xâm hại đến quan hệ sở hữu; quan hệ xã hội về trật tự quản lý kinh tế, trật tự, an toàn công cộng… Bởi vậy, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà những hành vi nguy hiểm này sẽ có thể bị xử lý về một trong các tội như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội buôn lậu, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, v.v…

-LS. Phạm Thị Thanh Phương: Công văn nói trên của HĐTP TANDTC là văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc xử lý, xét xử các hành vi phạm tội có liên quan đến dịch bệnh Covid-19, không xác định hiệu lực hồi tố, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, những hành vi xảy ra trước thời điểm ngày 30/3/2020 (hành vi khai báo gian dối, hành vi trốn cách ly...) không áp dụng hướng dẫn này để xử lý.

Công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 được ngành y tế hết sức coi trọng.
Công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 được ngành y tế hết sức coi trọng. 

*Thưa các luật sư, các chuyên gia, theo các ông, bà hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay đã đủ đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn về xét xử các hành vi vi phạm hình sự liên quan đến dịch Covid-19 hay chưa?

-LS.Nguyễn Văn Tuấn: Các quy định về phòng chống dịch bệnh được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người có hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự, đồng thời nhằm mục đích răn đe những người khác không có hành vi tương tự. Mức xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, đồng thời buộc người vi phạm thực hiện việc cách ly y tế hoặc cưỡng chế cách ly y tế.

Tuy nhiên, các chế tài xử lý nêu trên chưa đủ mạnh để người dân chấp hành việc chống dịch Covid-19. Vừa qua, đã có nhiều quan điểm của các chuyên gia pháp luật, luật sư về việc cần thiết phải khởi tố một số trường hợp điển hình về trốn cách ly, từ chối cách ly. Thực tế cho đến nay vẫn chưa có vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những hành vi nêu trên. Lý do là Điều 240 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Chính vì vậy, ngày 30/3/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn chi tiết Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, người nào có một trong các hành vi như: Trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế,khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, theo tôi thì các hệ thống các văn bản pháp luật này chưa đủ đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Bởi vì, việc cá nhân làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi hết sức nguy hiểm, thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của chính bản thân người bệnh và coi thường cả cộng đồng. Nhưng Bộ luật hình sự lại cho rằng hành vi đó là tội phạm ít nghiêm trọng khi có hình thức xử phạt bằng tiền từ 50 đến 200 triệu đồng. Tôi cho rằng hình phạt trên chưa đủ sức răn đe.

Mỗi người chúng ta ai cũng biết được rằng dịch bệnh Covid-19 là rất nguy hiểm đến tính mạng con người, nó lây lan nhanh chóng. Trong khi toàn Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp liên tục vận động, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông như tivi, tin nhắn hoặc các ứng dụng các của mạng xã hội, thì vẫn nhiều người coi thường và làm lây nhiễm ra cộng đồng. Vì thế, đối với những hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm dịch bệnh lây lan cần thiết phải có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn của cơ quan nhà nước trong việc dập tắt dịch bệnh, ổn định tình hình xã hội và quan trọng hơn là ổn định cuộc sống của người dân.

*Xin cám ơn các Luật sư và các chuyên gia pháp luật.

Đọc thêm

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đọc Lời báo công dâng Bác. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 14/12, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó  Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.