100% số đại biểu dự Đại hội đã biểu quyết nhất trí thông qua danh sách nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 59 đồng chí. Trên cơ sở đó, Đại hội đã bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 52 đồng chí.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI hướng dẫn các đại biểu lấy phiếu giới thiệu nhân sự Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đại biểu đã bỏ phiếu bầu 52 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Trước khi bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII, tham luận tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Tuấn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đã tham luận nội dung: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước".
Bên cạnh kết quả đạt được, tham luận chỉ ra một số hạn chế, đó là nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân chưa bắt kịp trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Một số cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước còn hình thức; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội ở cơ sở hiệu quả chưa cao... Từ đó, tham luận đề xuất tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Trình bày tham luận: “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ông Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất cần bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao, nhất là đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực đã được xác định trong báo cáo chính trị. Tiếp tục đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa ở các địa phương, hình thành nên các cánh đồng lớn. Thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Khuyến khích phát triển các công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo thương hiệu phát triển bền vững. Gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với phát triển du lịch sinh thái để vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vừa quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Cần có cơ chế chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức khoa học - công nghệ đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân có cơ sở vay vốn; thực hiện cấp giấy xác nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; hệ thống ngân hàng thương mại phải nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng...