Thời gian xét theo nghĩa nào đó là tiền, là giảm chi phí logistics, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa. Đặc điểm của thời đại số hiện nay là tốc độ. Điều đó, hẳn nhiên khỏi bàn cãi.
Kết quả của việc hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ để hoàn thành nối thông tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An như đã nói, cho thấy bài học về bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.
Lâu nay việc triển khai các dự án hạ tầng kinh tế kỹ thuật nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, khâu vướng mắc đầu tiên vẫn là giải phóng mặt bằng (GPMB). Công tác GPMB luôn là tiền đề của các dự án nên cần phải đi trước một bước. GPMB liên quan đến chính sách đền bù, do vậy “thuận dân”, áp giá đền bù chính xác, không tiêu cực; thì dân sẽ đồng thuận.
Đồng thời, để dân bàn giao mặt bằng nhanh, rõ ràng phải có khu tái định cư cho dân, bảo đảm tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Dân ta yêu nước, luôn ủng hộ chính sách, tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch; do vậy không phải là “bài toán” khó.
Bài học thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam ở các dự án thành phần vừa qua còn cho thấy, cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn vật liệu để bảo đảm chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình. Đồng thời, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là tư vấn khảo sát thiết kế giảm thiểu sai số...
Rất nhiều kinh nghiệm, nhưng tựu trung phải bám sát thực tiễn, phản ứng chính sách phải linh hoạt; dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, “không bàn lùi, chỉ bàn làm”.
Thực tiễn chính là nơi kiểm nghiệm mọi chủ trương, chính sách; là môi trường để đánh giá trình độ, năng lực cán bộ không thể chính xác hơn. Nhất là trong hoàn cảnh cơ chế, chính sách còn có vướng mắc, bất cập so với thực tiễn; thực tiễn bao giờ cũng là “thước đo của chân lý”.