Một buổi thi hành án dân sự. Ảnh minh họa |
Vẫn còn “chảy máu chất xám”
Mọi mục tiêu chỉ là xa vời nếu như không có đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, vững về trình độ chuyên môn. Với quan điểm ấy, nhiều năm trở lại đây, Cục THADS Bạc Liêu luôn quan tâm, kiện toàn đội ngũ cán bộ từ Cục đến các Chi cục. Đến nay, biên chế của toàn tỉnh là 85/tổng số 97 biên chế được Bộ Tư pháp giao (thiếu 12 biên chế), trong đó có 25 chấp hành viên. Hiện đã thi tuyển xong, đang đề nghị Tổng cục THADS ra quyết định công nhận kết quả thi tuyển để Cục THADS tỉnh Bạc Liêu ra quyết định tuyển dụng. Đến nay, Bạc Liêu cũng đã thực hiện xong việc củng cố, kiện toàn đội ngũ Lãnh đạo cấp Cục, cấp Chi cục. Hiện chỉ còn 02 đơn vị thiếu Phó chi cục trưởng, đơn vị đang làm thủ tục hiệp y với cấp ủy địa phương để hoàn tất hồ sơ bổ nhiệm.
Bên cạnh việc kiện toàn về số lượng, Cục THADS luôn tạo điều kiện cho cán bộ, chấp hành viên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kết hợp với các biện pháp luân chuyển cán bộ, thẩm tra viên, thư ký THA, tổ chức biệt phái chấp hành viên. Đồng thời, phát hiện sai phạm, ngành cũng kiên quyết xử lý để làm gương.
Tuy nhiên, tình trạng “chảy máu chất xám” cũng là thực tế Bạc Liêu đang phải đối mặt. 9 tháng đầu năm 2011, đã có đến 3 cán bộ xin thôi việc. Tình trạng quá tải công việc cũng là khó khăn lớn ở địa phương này. Hàng năm Bạc Liêu phải giải quyết khoảng 10 ngàn việc, tuy nhiên chỉ với số lượng 27 Chấp hành viên (trong đó trên 1/2 kiêm nhiệm công tác quản lý). Như vậy, bình quân mỗi Chấp hành viên thụ lý gần 400 việc/năm, cộng với áp lực công việc, án ngày càng khó khăn phức tạp chính là nguyên nhân cán bộ bỏ nghề.
Khuyến khích tự kiểm tra
Giao việc đến từng chấp hành viên, cán bộ THA nhưng Cục THADS Bạc Liêu cũng đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra, thanh tra. 9 tháng đầu năm, Cục THADS tỉnh đã tổ chức 06 đợt kiểm tra công tác THADS ở các đơn vị trong toàn tỉnh nhằm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị và kỹ năng tác nghiệp của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Nội dung kiểm tra tập trung đi sâu kiểm tra nghiệp vụ THA, công tác thu, chi THA và thực hiện qui chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Ngoài ra, công tác kiểm tra cấp dưới và tự kiểm tra cấp mình theo định kỳ và đột xuất, bên cạnh đó còn có nhiều cuộc kiểm tra của các ngành hữu quan
“Mỗi chuyến về cơ sở không những giúp chúng tôi kịp thời phát hiện, tháo gỡ hoặc đề xuất gỡ khó cho cơ quan THA cấp huyện mà còn giúp anh em thêm hiểu, chia sẻ khó khăn và động viên lẫn nhau”, Cục trưởng Cục THADS Bạc Liêu Tăng Quốc Hùng tâm sự.
Là địa phương trong nhiều năm liên tiếp giảm đáng kể tỷ lệ án tồn, 9 tháng kết quả THA cũng rất đáng ghi nhận. “Nếu như năm 2011, chỉ tiêu của ngành THA Bạc Liêu là giảm 500 việc tồn, thì đến nay, kết quả 9 tháng đầu năm 2011, ngành đã giảm đến hơn 600 việc, với 9,8 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết thêm.
Những tháng cuối năm, cùng với nhiều giải pháp về nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại các đơn vị cũng được Cục THA chú trọng. Cục THA cũng khuyến khích các đơn vị thi hành án dân sự cấp huyện chủ động thường xuyên tự kiểm tra.
Trong án tồn đọng khó thi hành ở Bạc Liêu, chiếm một tỷ lệ khá cao về giá trị là lĩnh vực nợ vay ngân hàng, tín dụng. Điển hình là rất nhiều trường hợp lập dự án vay vốn đóng tàu, mua ngư cụ (trong cơn bão số 5 năm 1997) nhưng dùng vốn vay để sử dụng mục đích khác, chỉ dùng một tỷ lệ nhỏ để mua tàu cũ, ngư cụ rẻ tiền, sử dụng kém hiệu quả. Sau khi Ngân hàng khởi kiện, hầu hết các trường hợp này không còn tài sản để thi hành. Có trường hợp đương sự phải trả nợ vay cho Ngân hàng trên 800 triệu, nhưng khi định giá tài sản còn lại duy nhất là căn nhà để trú ngụ của 14 nhân khẩu (nhiều thế hệ) trị giá 60 triệu đồng… Nếu bán thì chỉ đủ chi phí và trích lại để duy trì chỗ ở tối thiểu cho 14 nhân khẩu. Những trường hợp tương tự như vậy cũng khá nhiều nên tiến độ giải quyết án chậm, tồn về sau ngày càng nhiều. (Nguồn: Cục THADS Bạc Liêu) P.V