Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ghi nhận kết quả mà cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã đạt được trong năm 2022 (Nhân ngày họp mặt doanh nghiệp đầu năm 2023). |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn nhằm tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”. Thường xuyên rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý để có giải pháp khắc phục những thiếu sót, sơ hở của quy định pháp luật có thể bị lợi dụng gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp”.
“Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường trách nhiệm quản lý không để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hoặc có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên thuộc quyền quản lý có hành vi sai trái, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng các ngành, các cấp phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, có “tham nhũng vặt” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hàng năm; không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân đối với cơ quan Nhà nước” - ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.
Các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử, Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương, kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, phải đảm bảo ngăn chặn tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” vì động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ,... của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đưa ra khỏi tổ chức Nhà nước người vi phạm; phải xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật”./.